Từ những di sản kiến trúc cổ kính, phong tục tập quán đặc trưng đến các lễ hội dân gian rộn ràng và làng nghề truyền thống lâu đời, mỗi địa phương ở Việt Nam đều lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc. Tuy nhiên, việc khai thác trải nghiệm du lịch vẫn chưa được phát huy đúng mức, khiến tiềm năng văn hóa chưa thực sự chuyển hóa thành lợi thế cạnh tranh trong phát triển du lịch.


Các địa điểm và giá trị văn hóa dồi dào của Việt Nam
Tại hội thảo khoa học do Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức, các chuyên gia đã phân tích và đề xuất nhiều mô hình khai thác di sản văn hóa như múa rối nước, ca trù hay du lịch cộng đồng, nhằm biến các giá trị truyền thống thành những sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn.
Tiến sĩ Nguyễn Đường Giang, Giảng viên Khoa Du lịch - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM), cho rằng, hiện nay, Việt Nam đang hình thành các đô thị mới như TP.Thủ Đức – nơi có tới 168 phường và khu vực, mỗi nơi đều tiềm ẩn những giá trị văn hóa có thể khai thác thành sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng này, cần có kịch bản phát triển rõ ràng, bài bản và đặc biệt là sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương.
Thạc sĩ Hoàng Sơn Giang - Giảng viên Khoa Du lịch, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM), nhận định: Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng sở hữu nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống phong phú. Nếu được khai thác hiệu quả, các giá trị này hoàn toàn có thể phát triển thành những sản phẩm du lịch đặc thù, tạo điểm nhấn riêng biệt và nâng cao sức hút cho ngành du lịch.

Các yếu tố giải trí và văn hóa cần được khai thác triệt để nhằm thúc đẩy du lịch
Một trong những giải pháp cấp bách hiện nay là tăng cường chiều sâu và tính sáng tạo trong việc chuyển hóa văn hóa thành trải nghiệm du lịch. Điều này đòi hỏi phải mở rộng các hoạt động tương tác, xây dựng những câu chuyện văn hóa có chiều sâu, gắn kết giữa quá khứ và hiện tại, giữa cộng đồng địa phương và du khách, nhằm tạo nên những trải nghiệm du lịch chân thực và giàu cảm xúc.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trung Lương – Phó Chủ tịch Liên Chi hội Đào tạo Du lịch Việt Nam cho rằng, nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam như cố đô Huế, Thành nhà Hồ... tuy đã được biết đến rộng rãi, nhưng vẫn còn "chơ vơ" trên bản đồ du lịch do thiếu sự đầu tư bài bản trong khai thác. Ông nhấn mạnh, sản phẩm du lịch thực thụ phải mang lại trải nghiệm cho du khách. Nếu chỉ dừng lại ở việc giới thiệu tài nguyên để du khách tự khám phá, thì chưa thể gọi là sản phẩm du lịch đúng nghĩa.
Tiến sĩ Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) nhấn mạnh, du lịch Việt Nam không thể chỉ dựa vào việc khai thác tài nguyên sẵn có. Trong bối cảnh du khách quốc tế ngày càng đề cao tính trải nghiệm và sự khác biệt, họ đang tìm kiếm những sản phẩm du lịch đặc sắc, mang đậm dấu ấn bản địa, phản ánh chân thực văn hóa và đời sống của người dân địa phương.
Khai thác văn hóa không chỉ là cách để phát triển du lịch mà còn đóng vai trò then chốt trong việc bảo tồn bản sắc dân tộc và lan tỏa những giá trị đặc sắc của Việt Nam ra thế giới. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, cần có sự đầu tư đồng bộ, đổi mới sáng tạo cùng sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, cộng đồng và doanh nghiệp.
Email:
Mã xác nhận: