Từ tinh mơ tại CLB Nguyễn Tri Phương (phường Hòa Hưng, TP.HCM), những bước chân lặng lẽ lại bắt đầu hành trình của mình - hành trình tìm ánh sáng bằng chính nội lực và niềm tin. Đó là những tuyển thủ của đội judo khiếm thị TP.HCM, đang bước vào giai đoạn tập huấn cao độ cho mùa giải 2025 - 2026 với ba cột mốc lớn: Giải vô địch Para Judo TP mở rộng, giải Para Judo quốc gia và ASEAN Para Games. Đồng hành cùng họ là huấn luyện viên Paralympic giàu kinh nghiệm Trần Mai Thúy Hồng.
Chia sẻ về phương pháp huấn luyện đặc thù, HLV Trần Mai Thúy Hồng cho biết: “Các vận động viên khiếm thị có suy nghĩ, tâm lý và tình cảm như người bình thường nên có thể truyền đạt kỹ thuật judo bằng lời nói. Tuy nhiên, để các bạn tiếp nhận dễ hơn, đặc biệt với những kỹ thuật như ngã, thì cần cho họ cảm nhận trước - ví dụ ngã xuống như thế nào, sau đó mới tập đứng lên và ngã lại. Người sáng mắt có thể nhìn và hiểu, còn các bạn thì cần cảm giác để vượt qua nỗi sợ ban đầu.”

HLV Trần Mai Thúy Hồng tích cực hỗ trợ cho các học viên
Đợt tập huấn lần này quy tụ nhiều tuyển thủ kỳ cựu, trong đó nổi bật là Nguyễn Viết Tú - cái tên đã gắn bó hơn 10 năm với Judo và từng nhiều lần mang về vinh quang cho thể thao người khuyết tật Việt Nam trên đấu trường khu vực.

Nguyễn Viết Tú đã có 10 năm kinh nghiệm với Judo
Nguyễn Viết Tú bày tỏ: "Cuốc sống có ý nghĩa hơn rất nhiều từ lúc tham gia Judo, đầu tiên là rèn luyện sức khoẻ, có niềm vui với các bạn cùng hoàn cảnh với nhau, thầy cô hiểu mình, mình được tham gia các giải quốc gia quốc tế, đi nhiều nơi hiểu văn hóa và con người các nước."
Bên cạnh những gương mặt quen thuộc, ê-kíp HTV đặc biệt ấn tượng với tinh thần tích cực của vận động viên trẻ Trịnh Kiều Oanh - cô gái 24 tuổi, mất thị lực hoàn toàn từ năm 11 tuổi.
“Khi mới tập luyện, ba mẹ em lo lắm. Không thấy đường mà đánh đấm gì. Nhưng em đi tập thử một buổi thấy vui, năng động và tự tin hơn. Thi đấu xong lại có huy chương, ba mẹ mừng lắm. Năm 2022 em giành HCB, 2023 là HCV” - Kiều Oanh chia sẻ.

Trịnh Kiều Oanh phải trải qua một tuổi thơ khó khăn khi mất thị lực vào năm 11 tuổi
“Không thử sao biết không thể” - câu nói từ trái tim Kiều Oanh như tiếp thêm sức mạnh cho nhiều bạn trẻ khiếm thị đang chật vật tìm lối đi trong cuộc sống. Với judo, hay bất kỳ môn thể thao nào, chỉ cần dấn bước, ý nghĩa sẽ tự hiện ra trên hành trình.
Mỗi đòn thế là một bước tiến, và mỗi con người ở CLB Nguyễn Tri Phương là một minh chứng sống động cho tinh thần không khuất phục trước nghịch cảnh. Với định hướng bài bản, sự đồng hành của những HLV tận tâm và khát vọng bứt phá, đội tuyển judo khiếm thị TP.HCM đang viết nên câu chuyện đẹp của thể thao người khuyết tật.
Email:
Mã xác nhận: