
Cụ thể, tại Quyết định số 1131/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phê duyệt Danh mục công nghệ chiến lược và sản phẩm công nghệ chiến lược gồm 11 nhóm công nghệ. Đây cũng là lần đầu tiên blockchain và các nhóm sản phẩm tài sản số, tiền số, tiền mã hóa được chính thức đưa vào danh mục công nghệ chiến lược quốc gia. Chỉ một ngày sau đó, ngày 14/6/2025, Quốc hội đã thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số, khẳng định tài sản số và tài sản mã hóa là một loại tài sản hợp pháp, có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Đây được xem là tín hiệu tích cực, thể hiện sự nhập cuộc của Việt Nam trong việc định hình chiến lược phát triển tài sản số.
Không còn vùng xám
Trước năm 2025, tiền mã hóa chưa được thừa nhận là tài sản hay phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Trên thực tế, tài sản mã hóa đã bắt đầu xuất hiện trong giao dịch và lưu thông, song do thiếu hành lang pháp lý rõ ràng, thị trường này phát triển một cách tự phát, tiềm ẩn nhiều rủi ro như lừa đảo, thất thu thuế và thao túng.

Việc thiếu vắng khung pháp lý cụ thể đã đưa thị trường tài sản mã hóa vào vùng xám trong kiểm soát
Thực trạng trên đã đặt ra yêu cầu bức thiết phải hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý hiệu quả, bảo vệ lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo một cách có kiểm soát. Tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo: cần khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với các loại tài sản ảo, tiền mã hóa và tài sản số, triển khai theo nguyên tắc “vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”, không cầu toàn nhưng tuyệt đối không lơi lỏng trong quản lý.

Chính phủ đã nhấn mạnh tầm quan trọng trong xây dựng khung hành lang pháp lý đối với tài sản số hóa
Bước đầu xây dựng hành lang pháp lý
Tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số, đây là văn bản luật đầu tiên của Việt Nam chính thức công nhận sự tồn tại của tài sản số. Theo đó, tài sản số là tài sản theo Bộ luật Dân sự, thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo lập, lưu trữ và chuyển giao bằng công nghệ. Trong đó, tài sản mã hóa được định nghĩa là một dạng của tài sản số. Tuy nhiên, điểm quan trọng là tiền mã hóa vẫn không được công nhận là phương tiện thanh toán. Bên cạnh đó, luật cũng quy định rõ về các vấn đề liên quan đến lưu thông đối với loại tài sản này trên thị trường.
Những thử nghiệm ban đầu
Ngày 27/6/2025, Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và Đà Nẵng. Theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các trung tâm này sẽ được áp dụng cơ chế sandbox để thử nghiệm giao dịch tài sản mã hóa, bắt đầu từ 1/7/2026. Điều này đã mở ra một bước đi linh hoạt và thực tiễn, vừa kiểm soát rủi ro vừa tạo ra một không gian cho những sáng tạo, đổi mới.

Việc thí điểm cơ chế sandbox có thể xem là một bước thử nghiệm an toàn trước khi phổ biến giao dịch tài sản mã hóa rộng khắp toàn quốc
Việc thí điểm giao dịch tiền mã hóa tại hai đô thị lớn của cả nước được kỳ vọng học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ quốc tế, đồng thời tích lũy dữ liệu thực tiễn để hoàn thiện chính sách trong tương lai.

Việc thí điểm cơ chế cũng góp phần đưa TP.HCM sau sáp nhập trở thành một siêu đô thị trong cả nước và khu vực
Những buổi đối thoại góp phần “xây rào pháp lý”
Trong chính bối cảnh mà Việt Nam đang nổi lên như một điểm nóng trên toàn cầu về giao dịch tài sản mã hóa, Tọa đàm “Chiến lược Quốc gia về Tài sản số: Chính sách cho đổi mới sáng tạo và hội nhập toàn cầu” đã được tổ chức bởi báo Lao Động nhằm lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ các bên, góp phần xây dựng và hoàn thiện các văn bản, dự luật liên quan trong thời gian tới.
Sự kiện đón nhận nhiều ý kiến từ các cơ quan quản lý, cũng như doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhiều chuyên gia, tập đoàn trong lĩnh vực blockchain đã nêu bật những điểm then chốt nhằm tạo lập một môi trường cân bằng giữa quản lý chặt chẽ từ phía nhà nước và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Buổi tọa đàm đã đón nhận nhiều ý kiến chuyên sâu từ các chuyên gia nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực này
Những góc nhìn quốc tế
Buổi tọa đàm cũng đã ghi nhận sự tham gia từ phía sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới - Binance, với nhiều ý kiến được đánh giá là quan trọng, có tính xây dựng cao.

Ông Richard Teng - CEO Binance tại sự kiện
Đại diện từ phía Binance, ông Richard Teng - CEO toàn cầu của Binance tuyên bố: “Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chiến lược phát triển tài sản số của Binance tại châu Á”. Điều này thể hiện vị thế chiến lược của Việt Nam trên trường quốc tế, dù đây là một thị trường hoàn toàn mới mẻ.
Bài toán cân bằng giữa sáng tạo và kiểm soát
Là một thị trường đầy mới mẻ với nhiều cơ hội và thách thức, vấn đề xây dựng hành lang pháp lý chính là trung tâm thảo luận của buổi tọa đàm, khi làm sao phải đảm bảo sự kiểm soát chặt chẽ từ phía Nhà nước, vừa phải gợi mở không gian phát triển đủ "rộng" để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có một môi trường an toàn, trong sạch để phát huy hết tiềm lực.

Ngay sau buổi tọa đàm, Binance cam kết tài trợ 1 triệu USD cho chương trình “Blockchain for Vietnam”, tập trung vào đào tạo nhân lực, nâng cao nhận thức cộng đồng và hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp Việt.
Không dừng lại ở đó, Binance sẵn sàng làm việc với cơ quan chức năng để xin cấp phép hoạt động tại Việt Nam khi có hành lang pháp lý phù hợp.
Việt Nam trước cơ hội vươn lên dẫn đầu thị trường blockchain tại khu vực
Với vị thế hiện tại và những chuyển động chính sách mạnh mẽ, Việt Nam đang đứng trước cơ hội bứt phá để trở thành điểm sáng về tài sản số trong khu vực. Các hành lang pháp lý đầu tiên đã được dựng lên. Cộng đồng công nghệ và đầu tư đã sẵn sàng. Điều còn thiếu là một hệ sinh thái bền vững – nơi nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng chung tay phát triển thị trường tài sản số một cách minh bạch, hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế. Nếu làm được, Việt Nam không chỉ bắt kịp xu thế, mà còn có thể đi trước trong kỷ nguyên kinh tế số toàn cầu.

Việc dấn thân tham gia vào thị trường tài sản số hóa thể hiện quyết tâm cao độ của Việt Nam trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Email:
Mã xác nhận: