Xuất khẩu thủy sản tăng tốc cuối năm, kỳ vọng chạm mốc 10 tỷ USD

VŨ TUYÊN - XUÂN HẠO - NGỌC THẠCH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 17/7/2024, 12:00

(HTV) - Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam - VASEP, xuất khẩu thuỷ sản trong 6 tháng đầu năm nay đạt trên 4,4 tỷ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là kết quả đáng khích lệ trên con đường phục hồi và phát triển của ngành. Trong đó, xuất khẩu tôm các loại mang về hơn 1,6 tỷ USD, cá tra đạt 922 triệu USD. Điểm nổi bật nhất trong bức tranh xuất khẩu nửa đầu năm, đó chính là sự tăng trưởng đột biến ở các thị trường khó tính như Châu Âu. Các nhà kinh tế dự báo, với nhu cầu đang ngày một tăng cao trên thế giới, các sản phẩm chủ lực như tôm, cá tra của Việt Nam sẽ sáng cửa đón sóng đơn hàng trong những tháng cuối năm. Cũng theo VASEP, tăng trưởng xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm 2024 sẽ cao hơn cùng kỳ khoảng 15%, đạt trên 5,5 tỷ USD; xuất khẩu thủy sản cả năm 2024 dự báo sẽ cán đích 10 tỷ USD.

Để cung ứng cho các đối tác nước ngoài trong những tháng cuối năm, công ty CP Thủy sản Trường Giang dự kiến sẽ tăng sản lượng cá tra lên từ 5-10%. Động thái này dựa trên những chuyển biến tích cực đến từ sự tăng trưởng cao về kim ngạch xuất khẩu trong nửa đầu năm, nhất là thị trường Châu Âu. Theo ông Ong Hàng Văn - Phó Tổng Giám đốc công ty, doanh nghiệp sẽ chú trọng đánh mạnh vào thị trường Châu Âu và Nam Mỹ. Những thị trường đó ko kém Trung Quốc. Các doanh nghiệp cứ kìm chế cái giá, không nhất thiết phải bán với giá thấp. Cứ bình tĩnh mà bán không phải vội.

Các doanh nghiệp cho rằng, không chỉ thị trường mà giá bán cá tra cũng có thể tăng từ 5-10% vào những tháng cuối năm. Đặc biệt trong Quý III và IV, mặt hàng tôm hứa hẹn sẽ trở thành sản phẩm có tốc độ tăng trưởng cao nhất của ngành thuỷ sản, nhất là các mặt hàng chế biến sâu, khi hiện nay nhiều thị trường lớn như Châu Âu đã tìm kiếm đến các nhà cung cấp của Việt Nam.

Ông Vũ Đức Trí - Phó Tổng Giám đốc chuỗi cung ứng Tập đoàn Việt Úc cho rằng, điều tích cực mà doanh nghiệp nhận được là có nhiều đơn hàng có chất lượng cao từ những thị trường lớn của thế giới, đó là cơ hội mà không riêng Việt Nam mà cả thế giới điều này điều đó. Hơn 1 năm quan chuẩn hóa quy trình vận hành, tìm hiểu nhu cầu trên thị trường thế giới, vì chúng tôi không chỉ đơn thuần bán một số đơn hàng mà mong muốn mang lại tiếng vang cho toàn ngành tôm và định vị được thương hiệu tôm Việt trên thị trường thế giới.

Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Sao Ta cũng cho rằng, doanh nghiệp chú trọng việc nâng cao trình độ chế biến sâu để thâm nhập vào hệ thống phân phối cao cấp, tránh rủi ro và tăng hiệu quả của đồng lời.

Theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm nay, các doanh nghiệp thủy sản cần thích nghi và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp với bối cảnh của thị trường

Theo VASEP, cơ hội để ngành thuỷ sản phục hồi trong nửa cuối năm nay là rất lớn. Khi nước ta đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển các đơn hàng của Mỹ và các lợi thế đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc. Trước những yêu cầu ngày càng khắt khe của các nước nhập khẩu, Hiệp hội khuyến cáo các doanh nghiệp cần xanh hóa chuỗi cung ứng, tăng cường công tác chuyển đổi số trong nuôi trồng và luôn đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, các doanh nghiệp cần tối ưu hoá các tài nguyên của mình để trên cơ sở giảm phát thải tối đa. Bên cạnh đó, cần có những đầu tư cho hoạt động để đáp ứng liên quan đến sự bền vững, đạt các chứng nhận, trên cơ sở thuyết phục khách hàng, ngày càng đáp ứng cái xu hướng lâu dài.

Thực tế, dù các thị trường đang có nhu cầu lớn nhưng để duy trì được đà tăng trưởng cho ngành, các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động tăng sức cạnh tranh và tận dụng tối đa các lợi thế, đặc biệt là đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: