Việt Nam sắp có vaccine phòng ngừa bệnh tay chân miệng

DIỄM PHÚC Tổng hợp // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 24/6/2023, 18:37

Hiện đã có công ty sản xuất vaccine phòng bệnh tay chân miệng gửi hồ sơ đăng ký đến Cục Quản lý dược, dự kiến đến cuối năm 2023 vaccine này sẽ được cấp phép.

Sáng 23/6, tại Viện Pasteur TP.HCM, bà Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế, chủ trì cuộc họp trực tuyến khẩn với 20 tỉnh, thành phía Nam về phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng (TCM).

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương trao đổi tại buổi họp. Nguồn ảnh: T.T.

Theo Thứ trưởng, Cục Quản lý dược đã nhận được hồ sơ đăng ký sản xuất vaccine phòng bệnh TCM, theo đó, có hi vọng từ nay đến cuối năm 2023, vaccine này sẽ được cấp phép.

Đây là tin vui trong bối cảnh dịch bệnh TCM có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, có trường hợp tử vong.

Tuy nhiên, trong lúc đợi vaccine thì giải pháp quan trọng là các địa phương cần chủ động dự trù cơ số thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất, trang thiết bị, thuốc điều trị. Bên cạnh đó, cần truyền thông về kiến thức phòng chống dịch, dấu hiệu phát hiện sớm dịch bệnh để đưa đến cơ sở y tế, phòng ngừa dịch tại cộng đồng, tại trường học,…

Báo cáo tại cuộc họp, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết trong tuần qua, 20 tỉnh, thành phía Nam đã ghi nhận 2.000 ca TCM, tăng mạnh so với tuần trước, trong đó có hai ca tử vong trên biến chứng lâm sàng. Các ca tử vong được xác định do chủng virus Entero 71 (EV17).

Theo Tiến sĩ Thượng, hiện chủng EV71 tấn công chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi. Vì vậy khi hết kì nghỉ hè, trẻ đi học lại sẽ làm lây lan nhiều hơn. Đặc biệt, có 50% người lớn mắc TCM không triệu chứng, đây là nguồn lây quan trọng cho trẻ em mà không hề biết.

Theo Viện Pasteur TP.HCM, hiện bệnh TCM chưa có vaccine phòng bệnh. Cách phòng bệnh hiệu quả và đơn giản là đảm bảo ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay và đồ chơi sạch cho cả trẻ em, người lớn và người chăm sóc trẻ.

Cụ thể, về vệ sinh cá nhân, nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em). Dùng tay hoặc khăn giấy che miệng và mũi khi hắt hơi, ho, sau đó vứt giấy đã sử dụng vào thùng rác và rửa tay cẩn thận.

Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi.

Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Tại các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ cần chủ động giám sát sức khỏe để kịp thời phát hiện sớm ngay khi trẻ có dấu hiệu bệnh TCM. Đồng thời thường xuyên tập huấn cho thầy cô, người chăm trẻ về dấu hiệu nhận biết sớm trẻ TCM và các biện pháp phòng chống.

Ngay khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bệnh, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Trẻ bệnh cần được nghỉ học ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi phát bệnh. Người chăm sóc trẻ bệnh cần nắm vững các dấu hiệu chuyển bệnh nặng để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Nguồn: Báo Pháp luật

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn: