(HTV) - Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đánh dấu một bước chuyển lớn của cách mạng Việt Nam.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đã tác động, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa; làm cho các thế lực đế quốc và bọn phản động quốc tế hết sức lo sợ, tìm mọi cách chống phá hòng thủ tiêu Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Thực tế, chính quyền cách mạng non trẻ của ta đã phải đối phó với muôn vàn khó khăn, đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Bên trong, “giặc đói”, “giặc dốt”, giặc nội phản hoành hành, bên ngoài, giặc ngoại xâm liên tục tấn công, hòng tiêu diệt chính quyền vừa thành lập.
Với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, ngày 23/9/1945 được sự giúp đỡ của quân Anh, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai, rồi mở rộng đánh chiếm Nam bộ và Nam Trung bộ, tìm cách đưa quân ra Bắc bộ, đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn, Hải Dương, gây nhiều vụ xung đột, khiêu khích ở Hà Nội.
Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” đó, Đảng ta, Chính phủ và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã tìm mọi cơ hội hòa hoãn, kéo dài thời gian hòa bình nhằm chuẩn bị cho cuộc kháng chiến có thể không thể tránh khỏi. Chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới.
Bất chấp những thiện chí hòa bình của Việt Nam. Trước âm mưu, hành động xâm lược của kẻ thù, nhân dân Việt Nam không có con đường nào khác là cầm vũ khí đứng lên chiến đấu để bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được.
Ngày 18 và 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp hội nghị tại Vạn Phúc (Hà Đông), ra quyết định lịch sử: phát động Toàn quốc kháng chiến.
Ngay đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra lời kêu gọi đồng bào cả nước kháng chiến.
Sáng 20/12/1946, "Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam được phát đi khắp cả nước, với nội dung:
“Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên!
Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.
Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!
Giờ cứu quốc đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước.
Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!
Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!
Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”
|
“Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” là lời hiệu triệu toàn dân tộc Việt Nam đoàn kết một lòng chống Pháp với đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh”.
Hưởng ứng Lời kêu gọi đó, nhân dân cả nước từ già đến trẻ, từ thành thị đến nông thôn, từ miền ngược đến miền xuôi và mọi tầng lớp trong xã hội đã nhất tề đứng lên chống Pháp. Hà Nội là một trong những chiến trường chính trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc. Từ đêm 19/12/1946, quân và dân Thủ đô đã đồng loạt tấn công chủ động, bất ngờ vào các căn cứ của quân Pháp. Với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân dân Thủ đô kiên cường bám trụ, giành giật với địch từng mái nhà, góc phố, con đường, làm tiêu hao sinh lực địch, giam chân Pháp trong thành phố nhiều ngày để tạo điều kiện cho các cơ quan đầu não, chủ lực kịp thời sơ tán lên chiến khu Việt Bắc một cách an toàn và bước vào giai đoạn trường kỳ kháng chiến vào tháng 3/1947.
Đồng thời, quân và dân cả nước đã đồng loạt anh dũng đứng lên chống Pháp với ý chí căm thù giặc sục sôi, với niềm tin tất thắng.
Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Ban Thường vụ Trung ương Đảng và tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi của Tổng Bí thư Trường Chinh đã xác lập đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ và dựa vào sức mình là chính” trở thành ánh sáng soi đường cho dân tộc ta đi đến thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
77 năm sau ngày toàn quốc kháng chiến, đất nước ta đã trải qua nhiều sự kiện chính trị lớn và tiến những bước dài, nhưng Lời kêu gọi thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc vẫn khắc sâu trong tâm khảm mỗi người Việt Nam hôm nay.
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” không chỉ là biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường, bất khuất và lòng quyết tâm chống ngoại xâm của dân tộc ta, mà Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến còn là Cương lĩnh về khát vọng hòa bình, tiếp thêm sức mạnh cho toàn dân tộc vững bước trên con đường đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9