Là nghệ sĩ cải lương, nghệ sĩ hài nổi tiếng, Kiều Mai Lý có một hành trình gian truân với nghề và với đời. Tại chương trình "Ký ức Sài Gòn - TP.HCM", bà chia sẻ điều gì?
Nghệ sĩ Kiều Mai Lý trong vở cải lương "Chuyện cổ Bát Tràng" (Ảnh: NVCC)
Nghệ sĩ Kiều Mai Lý (tên thật là Nguyễn Thị Lý) sinh năm 1949 trong một gia đình nghèo trên đường Vũ Tùng, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Một hôm mẹ của bà nằm mơ thấy chuyện chẳng lành. Không biết nghe ai mách bảo, cha mẹ cho bà đi làm con nuôi một cặp vợ chồng hiếm muộn trong xóm. Năm đó, bà còn chưa được 1 tuổi.
Sau này, khi cha mẹ ruột muốn rước bà về lại, bà không về. Bà kể, cha mẹ nuôi nghèo “rớt mùng tơi”, đi bán bắp thì một đầu gánh bắp, một đầu gánh bà. Lắm lúc, bà thèm có một đôi dép mới, chỉ có mấy đồng thôi, mà cũng không có tiền để mua. Ngày đó, Sài Gòn chưa có hệ thống nước vào từng hộ gia đình. Người dân muốn có nước dùng phải ra các phông-tên được lắp đặt sẵn tại những nơi công cộng để gánh về. Từ đó, nghề gánh nước mướn “ra đời”. Để có tiền phụ cha mẹ nuôi trang trải và mua được “đôi dép yêu thích”, cô bé 10 tuổi Nguyễn Thị Lý xung phong đi gánh nước. Bà cười nói: “Tại gánh nước nhiều nên mới lùn".
Nghệ sĩ Kiều Mai Lý và các nghệ sĩ trong vở "Ngao Sò Ốc Hến" (Ảnh: NVCC)
Thời đó, Kiều Mai Lý học trường Hà Huy Tập. Gần đó - khu Cây Quéo có ngôi đình là nơi "đóng đô" của đoàn Thanh Hương - Hùng Minh. Vì mê cải lương nên trưa nào tan học, “cô bé” Lý cũng chạy lên đình ngồi hai, ba tiếng chỉ để coi tập tuồng. Anh rể thấy bà có làn hơi hay, khuyên bà đi học ca, mới dẫn bà đến gặp thầy Năm Đồng dạy đờn ca tài tử. Sáng dạ nên Nguyễn Thị Lý ca tới đâu chắc tới đó, từ ba nam, sáu bắc đến bảy bài, bốn oán không sót bản nào. Học được một thời gian, thầy Năm Đồng dắt bà đi hát và đặt nghệ danh cho là Kiều Mai Lý. Năm 16 tuổi, trong một lần hát đám cưới, tiếng hát của bà lọt vào tai ông bầu đoàn Hoa Xuân Minh Há và từ đó xuất hiện một cô đào chánh Kiều Mai Lý.
Nghệ sĩ Kiều Mai Lý kể, năm bà 17, 18 tuổi, nghệ sĩ Hồng Nga - chuyên trị “đào mụ” nghỉ sanh, bầu gánh bắt cô thế vai. Cố nghệ sĩ Ba Ngà vẽ mặt cho bà nhưng vẽ không ra mặt già mà ra con cọp, anh chị em trong đoàn cười quá trời. Rồi tới “đào lẳng” Kim Ngọc nghỉ sanh, bà phải lên thay vai, tung hứng với nghệ sĩ Hùng Cường. Sẵn duyên ngầm lại thêm Tổ “phù hộ”, chất hài của bà dần được bồi đắp và phát huy.
Nghệ sĩ Kiều Mai Lý tạo dáng hài hước trên phim trường (Ảnh: NVCC)
Năm 1982, chương trình “Trong nhà ngoài phố”, phát sóng mỗi tối thứ năm hàng tuần trên HTV, tiếp tục đưa hài kịch đến gần hơn với khán giả mộ điệu. Bối cảnh, số phận nhân vật gắn với hơi thở cuộc sống, kịch bản mang tính thời sự cùng với tài dàn dựng của cố đạo diễn Trần Văn Sáu, “Trong nhà ngoài phố” trở thành một thương hiệu với sức hấp dẫn đặc biệt. Lúc này, Bảo Quốc, Kiều Mai Lý, Ngọc Giàu, Kim Xuân, Hữu Châu lại càng có dịp tỏa sáng hơn nữa; trở thành những người - mà bây giờ giới trẻ hay gọi là - “bảo chứng rating” cho chương trình cũng như các sân khấu hài thành phố suốt từ thập niên 1980 đến thập niên 2000.
Dù ở cải lương hay kịch và sau này là điện ảnh, nghệ sĩ Kiều Mai Lý vẫn luôn cố gắng hết sức mình cho từng vai diễn. Đã qua tuổi “thất thập cổ lai hy”, bà vẫn cùng con gái mình rong ruổi trên đường phố Sài Gòn, đến phim trường, đến sân khấu, tiếp tục miệt mài cống hiến cho nghệ thuật. Bà luôn mong mỏi, cải lương nói riêng và sân khấu nói chung luôn được giữ gìn và ngày một phát triển hơn, góp sức vào nền nghệ thuật của thành phố.
Ký ức Sài Gòn - TP.HCM phát sóng vào 10g sáng chủ nhật hàng tuần trên kênh HTV7.