Từ “Mê Kông ký sự” đến “Ký sự biển đảo quê hương”

Năm 1991, Hãng phim Truyền hình TP Hồ Chí Minh thành lập được xem là bước đi là táo bạo của các lãnh đạo “tiền bối” của Đài Truyền hình TP.HCM (HTV).

Không phụ lòng khán giả thành phố và cả nước, những thước phim từ tài liệu, phim truyện, đặc biệt là thể loại Ký sự đã đóng dấu thương hiệu TFS và trở thành niềm tự hào của cán bộ, nhân viên Hãng phim và của HTV.

Ký sự - Thương hiệu tự hào của HTV

Theo lời nhà biên kịch Trần Đức Tuấn, thể loại Ký sự đã được các nhà báo của HTV ấp ủ và manh nha từ những năm trước 1990 khi thực hiện những ký sự ngắn về tình hình lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long. Sau đó, một nhóm các nhà báo đã đi xa hơn khi thực hiện các Ký sự ngắn, điều tra về tình hình người Việt tỵ nạn ở Hồng Kông, Maylaysia, Thái Lan... Tiếp theo là hàng loạt Ký sự mang tên: Một thoáng Hồng Kông, Một thoáng Băng Cốc, Một thoáng Malaysia… khi phát sóng đã đón nhận sự hưởng ứng, thích thú theo dõi của khán giả trong nước.

Năm 1997, đoàn phim của TFS thực hiện Paris hoa lệ (2 tập), Ký sự Cu Ba (9 tập). Năm 1998 thực hiện Hai bờ đại dương nước Mỹ (2 tập). Năm 2000 thực hiện Trung Hoa du ký (23 tập), năm 2001 thực hiện Những nẻo đường Trung Hoa và chính thức năm 2002 thực hiện Mê Kông ký sự (92 tập), đánh dấu bước trưởng thành và khẳng định thế mạnh về thể loại ký sự của TFS.

Sau đó là sự thành công của hàng loạt Ký sự: Ký sự Hỏa xa, Hành trình theo chân Bác, Huyền bí sông Hằng và đặc biệt là Mê Kông ký sự, các đài truyền hình trong cả nước đã tập trung khai thác thể loại này. Lối đi tiên phong, khai phá của thể loại Ký sự truyền hình của TFS có thể nói đã trở thành thể loại báo chí truyền hình quyến rũ nhất nhưng cũng khó thực hiện nhất. 


Đoàn làm phim Mê Kông ký sự

Người có công khai phá thể loại này chính là NSND Phạm Khắc và nhà biên kịch Trần Đức Tuấn - kiến trúc sư trưởng của hàng loạt Ký sự của TFS và đội ngũ làm phim nhiều kinh nghiệm, nhiệt huyết, đam mê của HTV. Đằng sau những tác phẩm “để đời” này là câu chuyện nghề thấm đẫm mồ hôi, công sức, thậm chí là sinh mạng của ê-kíp làm phim. Riêng mảng phim Ký sự truyền hình trên phạm vi cả nước, TFS đã có phần đóng góp rất đáng kể. 

Ký sự truyền hình kéo dài cho tới tận bây giờ, tạo nên một hiện tượng đặc biệt, thu hút mạnh mẽ khán giả, và hiện vẫn đang phát triển ở hầu hết các Đài truyền hình từ Nam tới Bắc như một thành công lớn của Truyền hình Việt Nam nói chung và HTV/TFS nói riêng.

Riêng về series phim Mê kông ký sự – một thể nghiệm discovery đầu tiên tại Việt Nam đã gặt hái thành công vang dội. Năm 2006, thời điểm phát sóng sau 5 năm khởi quay của một thiên Ký sự truyền hình từ dòng sông MêKông, hơn 60.000 đĩa DVD được bán cho các khán giả, đối tác trong và ngoài nước - tạo bước đột phá và là một tiền lệ chưa từng có cho thể loại phim Ký sự truyền hình. 

Khát vọng đổi mới 

Sau những thiên Ký sự vàng son chủ yếu khai thác những vấn đề của lịch sử và cuộc sống đương đại, TFS vẫn nuôi khát vọng vươn lên và tự đổi mới với hàng loạt những Ký sự kể chuyện “xứ mình” như: Thăng Long ngàn năm thương nhớ, Trở lại Trường Sơn huyền thoại, Việt Nam 54 dân tộc anh em,  Ký sự sông Đồng Nai, Những trang sử biên thùy. Đặc biệt gần đây nhất là ký sự Biển đảo quê hương.

Đạo diễn, NSƯT Lý Quang trung, Giám đốc Hãng phim TFS cho biết: “Lần trở lại này với dòng phim Ký sự, chúng tôi hiểu rằng, sẽ khó khăn, mạo hiểm hơn bởi những câu chuyện ở xứ người lúc nào cũng dễ hấp dẫn và thu hút khán giả. Nhưng với sự đầu tư chặt chẽ về ý tưởng, sự tâm huyết trong từng khung hình, và những tự sự đẫm chất tâm tình của người làm phim, chúng tôi vẫn vui mừng và luôn hi vọng, khán giả sẽ tiếp tục đồng cảm và đón nhận những dự án Ký sự tiếp theo của TFS. 


Đoàn phim Ký sự "Biển đảo quê hương" tác nghiệp tại Hà Tĩnh

Ký sự Biển đảo quê hương được Ban Tổng Giám đốc HTV chỉ đạo và giao TFS thực hiện. Ý tưởng thực hiện bộ ký dài kỳ này được TFS phác thảo từ năm 2013. Năm 2014, nhà biên kịch Trần Đức Tuấn phác họa đường dây kịch bản và cùng đội ngũ đạo diễn, biên kịch của TFS thực hiện trên khắp 28 tỉnh thành có biển của Việt Nam. Bộ phim đi sâu giới thiệu truyền thống, văn hóa, lịch sử, lý giải cội nguồn, văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, đời sống của ngư dân các làng chài. 


Một bữa cơm trưa trên tàu của đoàn phim Ký sự "Biển đảo quê hương" tại Cần Giờ

Ký sự Biển đảo quê hương là một bức tranh tổng thể về Biển đảo Việt Nam, góp vào việc năng cao nhận thức, hiểu biết, tình yêu biển đảo đối với Nhân dân cả nước, kiều bào nước ngoài, trách nhiệm công dân trước những mối đe dọa của các thế lực tham lam. Bộ phim cũng sẽ khơi dậy khát vọng vươn lên, làm giàu từ biển đảo, trách nhiệm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của dân tộc Việt. Do đề tài rộng, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, kinh phí tổ chức và phụ thuộc thời tiết rất lớn nên bộ phim thực hiện trong ba năm, từ 2014 – 2016. Trong tương lai, TFS sẽ thực hiện tiếp các đảo xa bờ của Việt Nam”. 


Đoàn phim Ký sự "Biển đảo quê hương" tác nghiệp tại Quảng Ninh

Nhà biên kịch Trần Đức Tuấn, người phác thảo đường dây kịch bản cho thiên Ký sự Biển đảo quê hương cho biết thêm: “Ký sự Biển đảo quê hươngra đời sau một số đài truyền hình khác nên thay vì đi vào từng vấn đề như các đài, chúng tôi vẫn chọn phương pháp kể chuyện theo bước chân của đoàn làm phim đi từ Nam ra Bắc. Điểm lợi thế của thủ pháp này là không cần phải đi tiền trạm, vừa đi vừa khám phá và tăng kịch tính nhờ các câu chuyện mà đoàn phim khám phá. 

Cách làm này rất “hợp khẩu vị” của đa số khán giả nhưng chúng tôi chọn lọc từng chi tiết một cách có tư duy, tìm kiếm cái mới, cái duy mỹ để kể cho khán giả nghe. Cách làm này không chỉ khiến khán giả thích thú mà đoàn phim trong hành trình tác nghiệp cũng rất say mê. Trong Ký sự này, chúng tôi gửi gắm thông điệp: Giang sơn gấm vóc Việt Nam, bờ cõi Việt Nam, biển đảo Việt Nam là niềm tự hào rất lớn của dân tộc nên mỗi công dân phải ý thức giữ gìn. Chúng tôi muốn gieo vào lòng khán giả lòng yêu nước, yêu từ những cảnh đẹp của chính nơi mình đang sinh sống và luôn cảnh giác trước lòng tham bành trướng, tham vọng quyền lực, độc ác và quỷ quyệt của kẻ thù để bảo vệ không gian bờ cõi, bảo vệ từng tấc đất, hải đảo Việt Nam”.

Ê-kíp thực hiện bộ Ký sự dài tập này gồm: đạo diễn - NSƯT Nguyễn Hoàng, Lê Vũ Hoàng, Tường Phương, Phương Nam. Biên kịch: Nhà báo Trần Đức Tuấn, Minh Diệu, Nguyễn Trọng Tín.
Bài, ảnh: Hồ Duyên