Trường dạy về lạc đà đầu tiên tại Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất

Thanh Hiệp 9/8/2022, 08:00

Những đàn lạc đà chở người và đồ vật đi trên đồi cát đã trở thành hình ảnh biểu trưng khi nhắc về văn hoá các quốc gia miền hoang mạc. Mới đây, việc tìm hiểu, học cách cưỡi lạc đà đã được tiêu chuẩn hoá tại Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất.

Ngôi trường dạy về lạc đà ở Dubai do Linda Krockenberger sáng lập

Lạc đà – loài động vật thuộc bộ guốc chẵn, chi Camelus, sống chủ yếu ở các vùng sa mạc Châu Á và Bắc Phi, đã được con người thuần hoá từ cách đây 5 ngàn năm. Chúng được biết đến như loài động vật lớn nhất sống trên những vùng sa mạc khô cằn. Từ thế kỷ thứ VII tại Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, loài động vật này đã là phương tiện di chuyển phổ biến trong sa mạc, chở người và đồ vật, cung cấp thịt, sữa và lông. Lạc đà trở thành một phần di sản của các quốc gia vùng Trung Đông.

Trong nỗ lực bảo tồn và phát huy, một trường học dạy các kiến thức về loài lạc đà vừa mới được đưa vào hoạt động, với tên gọi “The Arabian Desert Camel Riding Centre”, do Linda Krockenberger là thành viên sáng lập kiêm huấn luyện viên bộ môn cưỡi lạc đà. Một trong những lý do khiến cô quyết định mở ngôi trường này, là cảm giác cô đơn khi một mình cưỡi lạc đà qua những sa mạc rộng lớn. Cô mong muốn nhiều người, đặc biệt là các em nhỏ, được tìm hiểu và có cơ hội trải nghiệm với môn thể thao cưỡi lạc đà: “Có rất nhiều nơi tại Trung Đông và Bắc Phi cung cấp các dịch vụ cưỡi lạc đà, nhưng chủ yếu là trải nghiệm đơn thuần cho khách du lịch, hơn là tạo nên mối liên hệ mật thiết giữa con người với loài động vật đặc biệt này. Trong các khoá học, chúng tôi muốn các học viên, đặc biệt là các em nhỏ, xây dựng được mối quan hệ với các loài động vật đặc trưng của vùng hoang mạc. Chúng tôi muốn người cưỡi có thể cùng loài động vật này thực hiện chuyến đi hơn 50km mỗi ngày, xuyên đêm, cắm trại trên sa mạc và học được nhiều kỹ năng sống.”

Lạc đà trong văn hoá các quốc gia Ả Rập

Là loài có tuổi thọ trung bình lên đến 50 năm, có thể chạy với vận tốc 65km/h, đặc biệt là trọng lượng từ 300 lên đến 1000kg, lạc đà được mệnh danh là những “Vị Thần” trong sa mạc. Nhưng dáng hình và chuyển động khoan thai của chúng khiến huấn luyện viên Jana Schmiedel thường liên tưởng đến “Những gã khổng lồ nhẹ cân” khi giới thiệu đến các học viên.

Cưỡi lạc đà phụ thuộc vào trọng lượng cơ thể của người cưỡi, để điều chỉnh dáng ngồi ngồi lệch sang trái hay phải. Đồng thời người tập cưỡi lạc đà phải học cách giao tiếp với chúng để định hướng di chuyển và tốc độ. – huấn luyện viên người Đức chia sẻ: “Đối với tôi, điều hấp dẫn của môn cưỡi lạc đà là mối liên hệ giữa người và con vật được tạo ra trong chuyến hành trình. Bạn phải thực sự hiểu chúng, bởi những thay đổi trong sa mạc là điều con người khó có thể thích nghi nhanh như loài lạc đà.”

Michelle O’Malley đến từ New Zealand, đã bị chinh phục bởi những đặc tính sinh học thú vị của loài lạc đà. Vậy nên ngay khi có dịp được thử sức với khoá học này, cô đã cùng các con ghi danh và có những trải nghiệm đáng nhớ: "Ở Châu Đại Dương, chúng tôi cũng có nhiều loài động vật đặc trưng. Nhưng khi có dịp đến UAE, tôi và các con rất muốn được tận mắt thấy lạc đà. Chúng rất khác so với ngựa, trâu hay bò, tất nhiên là kích cỡ lớn hơn rất nhiều. Hai con tôi rất thích loài động vật này và tôi nghĩ chúng đã học được nhiều điều sau khoá huấn luyện.”

Tạo ra mối liên kết giữa con người và loài lạc đà

Ngày nay, tại Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, những giải đua lạc đà được tổ chức quanh năm, bên cạnh đua ngựa và chó với tiền thưởng lên đến hàng chục nghìn đô la Mỹ. Nhưng mục tiêu của các huấn luyện viên tại ngôi trường này là gìn giữ và giới thiệu những giá trị tốt đẹp về mối quan hệ gắn bó giữa người Ả Rập và loài lạc đà đã hình thành trong hàng thế kỷ: “Những người đã tham gia các lớp học cưỡi lạc đà, biết thêm về loài động vật này đều muốn quay trở lại đây. Sau hàng trăm năm, những sinh vật này vẫn biết cách khiến chúng ta phải bất ngờ và thán phục. Bản thân những người sáng lập ra ngôi trường cảm thấy tự hào, khi số lượng học viên trẻ tăng dần qua từng năm, đặc biệt là các học sinh nữ" - ông Obaid Al-Falasi – Giám đốc điều hành ADCRC chia sẻ.

Số lượng lạc đà trong tự nhiên đang bị đe doạ

Mặc dù hiện nay trên thế giới còn hơn 13 triệu cá thể lạc đà một bướu và hơn 1,4 triệu con lạc đà hai bướu, nhưng quần thể loài trong tự nhiên đang dần suy giảm. Phần lớn số lượng lạc đà tại khu vực Trung Đông ngày nay đều được thuần hoá và sinh trưởng trong điều kiện do con người kiểm soát.

Ý kiến của bạn:
Bài liên quan
(HTV) - Thành phố đã bắt đầu triển khai đề án phát triển hệ sinh thái du lịch theo trục "TP.HCM - Long Thành"; trong đó lấy việc "vận chuyển đường thủy" làm chủ đạo được nhiều doanh nghiệp du lịch quan tâm và đang theo đuổi phát triển.
(HTV) - Giải thưởng quốc tế Kotler Awards 2024 đã chọn ra 27 ứng viên xuất sắc nhất để vinh danh. Đây là các nhà tiếp thị kinh doanh, chuyên gia marketing, nhà quản trị chiến lược và doanh nghiệp xuất sắc đã đóng góp cho sự phát triển bền vững.
(HTV) - Thương hiệu dẫn dắt bền vững sẽ giúp các doanh nghiệp Việt tận dụng sức mạnh của thương hiệu để thay đổi thói quen, hành vi người tiêu dùng hướng đến lối sống và tiêu dùng bền vững.
(HTV) - Từ năm 1940, phương pháp "trị liệu nghệ thuật" được áp dụng trên thế giới cho các chứng bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần. Theo một số nhà trị liệu, phim bộ Hàn Quốc có những thế mạnh quan trọng phù hợp với liệu pháp tâm lý.
(HTV) - Lâu đài Windsor của Hoàng gia Anh vừa hoàn thành việc trang trí Giáng sinh cho năm 2024. Những căn phòng được trang trí sẽ mở cửa cho du khách từ nay cho đến ngày 06/01, theo truyền thống.
(HTV) - Ngày 22/11, thẩm phán tòa án New York Juan Merchan ra phán quyết hoãn vô thời hạn việc tuyên án ông Donald Trump trong vụ chi tiền bịt miệng một diễn viên phim người lớn.
(HTV) - Ngày 22/11, tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Matxcova sẽ tiếp tục thử nghiệm tên lửa đạn đạo trong thiết bị siêu thanh phi hạt nhân Oreshnik, và chuẩn bị sản xuất hàng loạt tên lửa này.