Trung Đông đối mặt với nguy cơ chiến tranh toàn diện sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas

MAI LAN - NHẬT MINH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 7/8/2024, 07:00

(HTV) - Việc thủ lĩnh chính trị của phong trào Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát tại thủ đô Tehran của Iran được ví như một cơn địa chấn, có thể đẩy khu vực Trung Đông đang sục sôi lửa đạn vào một cuộc chiến tranh toàn diện

Iran tổ chức lễ tang cho thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran.- Nguồn ảnh: AP

Các nhà phân tích chính trị đang tập trung vào 2 câu hỏi.

Điều gì sẽ xảy ra với các con tin ở Gaza và thỏa thuận ngừng bắn khi mà ông Haniyeh là người phụ trách vấn đề đàm phán của Hamas? Và liệu vụ ám sát bên trong lãnh thổ Iran có thể khiến nước này trở thành "chất xúc tác" cho một cuộc chiến tranh toàn diện ở Trung Đông hay không?

Thủ lĩnh chính trị Haniyeh đến Tehran để dự lễ nhậm chức của Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian. Tuy nhiên, ông đã bị ám sát ở nhà khách dành cho cựu binh sĩ Iran phía Bắc Tehran rạng sáng ngày 31/7.

Đến nay chưa rõ ông Haniyeh chết như thế nào. Theo truyền thông Iran, một đầu đạn tầm ngắn đã phóng từ bên ngoài vào nơi ở của ông. Tuy nhiên, cũng có thông tin cho rằng một quả bom đã được cài sẵn bên trong căn phòng của ông cách đây 2 tháng. Israel chưa đưa ra tuyên bố nào về cái chết của ông Haniyeh, nhưng kẻ thù của Israel đều cho rằng nước này đứng sau vụ việc.

Thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh (trái) thảo luận với tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian ở Tehran.- Nguồn ảnh: Reuters

Tin tức ngay lập tức khiến người dân Palestine ở Gaza lo sợ vì xung đột sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Ahmad Othman - người sơ tán ở Rafah, miền Nam Gaza nói: "Đã hơn 300 ngày kể từ khi xung đột nổ ra và chúng tôi chưa thấy tia hy vọng nào. Hãy nhìn xem Israel đã làm gì khi giết hại ông Haniyeh ngay giữa cuộc đàm phán. Chúng tôi mong mỏi tin tức chiến tranh chấm dứt từng giờ từng phút. Chúng tôi đã quá mệt mỏi với sự tàn phá này."

Còn tại Israel, thông tin về cái chết của thủ lĩnh chính trị Hamas đã gây phản ứng trái chiều. Có người hoan nghênh nhưng cũng người lo sợ cho số phận của các con tin.

Nhóm vận động Diễn đàn Gia đình Con tin và Người mất tích của Israel cho rằng cuộc chiến của Israel ở Gaza chỉ thật sự thành công khi các con tin được trả tự do. Nhóm này khẳng định thỏa thuận do chính phủ Israel đề xuất và được chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ là con đường khả thi duy nhất cho vấn đề con tin.

Người dân Israel tuần hành ở Tel Aviv kêu gọi trả tự do cho các con tin. Nguồn ảnh: AP

Agnes Malka - cư dân Tel Aviv nói: "Tôi nghĩ đó là tin tốt. Haniyeh xứng đáng bị như vậy. Tôi hy vọng Israel cũng sẽ tiêu diệt thủ lĩnh Hamas ở Gaza - Yahya Sinwar. Họ cần phải hiểu rõ sức mạnh của Israel."

Còn Shay Dickmann ở Jerusalem chia sẻ: "Tôi không hành động để trả thù. Tôi hành động vì hy vọng và mong muốn cuộc sống cho người Israel và mọi người trên thế giới. Điều tôi mong ước ngay lúc này là 115 con tin được trở về nhà."

Các chuyên gia nhận định vụ ám sát thủ lĩnh Hamas có thể đẩy cuộc chiến giữa nhóm vũ trang này và Israel sang giai đoạn khó đoán và nguy hiểm hơn. Diễn biến mới nhất cũng phủ bóng đen lên cuộc đàm phán lệnh ngừng bắn do Qatar và Ai Cập làm trung gian, cùng với sự hỗ trợ của Mỹ.

Theo truyền thông phương Tây, ông Haniyeh là người có tiếng nói mạnh mẽ đại diện cho các nỗ lực ngoại giao của Hamas. Người này được bổ nhiệm làm thủ lĩnh chính trị của Hamas từ năm 2017, thường xuyên đi lại giữa Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ, và làm đại diện cho mặt trận chính trị và ngoại giao của Hamas. Ông Haniyeh được các nước đánh giá ôn hoà hơn so với các thành viên cứng rắn khác của Hamas ở Gaza.

Ông Haniyeh phát biểu tại Gaza City, Dải Gaza vào năm 2017. - Nguồn ảnh: Reuters

Theo nhà phân tích Sanam Vakil của Chương trình Trung Đông và Bắc Phi thuộc viện nghiên cứu Chatham House có trụ sở tại Anh, vụ sát hại ông Haniyeh sẽ ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán ngừng bắn, ít nhất là trong thời điểm này.

"Chúng ta lại quay về giai đoạn căng thẳng và bất ổn sâu sắc. Tôi không thấy được bất kỳ giải pháp lâu dài và mang ý nghĩa nào phía trước vì dường như Israel chỉ đang cố gắng giải quyết những thách thức an ninh của nước này, mà không lựa chọn ưu tiên chấm dứt cuộc chiến Gaza và đảm bảo sự tự do của các con tin", Vakil nhận định.

Còn theo nhà phân tích Nomi Bar-Yaacov cũng thuộc viện nghiên cứu Chatham House, các bên đang ở trong thời điểm khó khăn, có thể nói là then chốt của cuộc xung đột. Cộng đồng quốc tế đã chứng kiến khả năng tấn công của Iran hồi tháng 4 vừa qua, nhưng cũng thấy được rằng Israel có thể nhằm vào bất kỳ nơi nào ở Iran. Về cơ bản, Israel muốn gửi đi thông điệp họ có thể tiêu diệt bất kỳ ai vào bất cứ lúc nào. Đó là điều vô cùng nguy hiểm.

Quân đội Israel và nhóm Hezbollah giao tranh ở biên giới Israel-Liban. - Nguồn ảnh: AP

"Iran tuyên bố sẽ trả thù. Các nhóm do Iran hậu thuẫn gồm Houthi ở Yemen, Hezbollah ở Liban và các nhóm vũ trang ở Iraq và Syria có thể tấn công các mục tiêu bên trong và ngoài lãnh thổ Israel. Về phía Israel, nước này khẳng định muốn đưa các con tin trở về, nhưng hành động mới đây của họ lại khiến vấn đề phức tạp hơn vì ông Haniyeh là nhà đàm phán chính của Hamas. Cuộc chiến phải kết thúc để chúng ta đi tiếp về phía trước và và tôi nghĩ mọi nỗ lực cần phải tập trung theo hướng đó", Bar-Yaacov nhận định.

Các nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn tuyên bố sẽ trả thù cho cái chết của ông Haniyeh. Còn Thủ tướng Benjamin Netanyahu khẳng định Israel đã chuẩn bị mọi kịch bản nhằm đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nhằm vào nước này.

Trước tình hình này, cộng đồng quốc tế đã triển khai hàng loạt nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn xung đột lan rộng khắp Trung Đông.

Người phát ngôn Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric nói Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi kiềm chế tối đa từ các bên và hối thúc nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng. Cộng đồng quốc tế cần phải hợp tác, ngăn chặn mọi hành động có nguy cơ đẩy Trung Đông đến bờ vực. Giải pháp cho điều đó là thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao toàn diện trong khu vực.

 Xung đột, suy dinh dưỡng và bệnh tật đe dọa trẻ em ở Dải Gaza. Nguồn ảnh: UNICEF

Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Fu Cong cho biết các quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn cần phải gây thêm áp lực và hành động quyết liệt hơn nữa đối với các bên liên quan của cuộc chiến nhằm dập tắt ngọn lửa chiến tranh ở Gaza.

Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi thì khẳng định bước đầu tiên hướng đến việc giảm leo thang là phải chấm dứt cuộc chiến tàn khốc ở Gaza. Israel phải cho phép người Palestine ở Gaza tiếp cận hàng cứu trợ, chấm dứt các hành động gây ảnh hưởng tới hoà bình ở Bờ Tây và tham gia kế hoạch triển khai giải pháp hai nhà nước.

Còn Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh điều cấp bách ở thời điểm này là các bên phải lựa chọn đúng đắn. Theo tôi, lệnh ngừng bắn là vì lợi ích của tất cả mọi người, vì lợi ích của người Israel và Palestine, vì lợi ích của toàn bộ khu vực.

Liệu Trung Đông có tránh được một cuộc chiến toàn diện gây tổn thất cho tất cả các bên hay không? Điều đó sẽ phụ thuộc vào mức độ phản ứng của Hamas, Hezbollah và Iran, cũng như hành động của Israel.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: