Mỗi độ Tết đến, Xuân về, nhìn những hàng cây đang đâm chồi, nảy lộc, nhân dân xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) lại nhớ Tết trồng cây cách đây 60 năm được Bác về thăm.
Giáo viên, học sinh TP Việt Trì tham gia trồng cây hưởng ứng Phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2023.
Từ lời căn dặn của Bác...
Chúng tôi trở về vùng quê Đào Xá nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm xã Vinh Quang, nay là xã Đào Xá. Khung cảnh làng quê thanh bình, yên ả hoà vào sắc diện mới, đường xá phong quang, rộng mở, nhà cửa, trạm y tế, trường lớp khang trang và nhịp sống hối hả đã gợi lên một bức tranh Đào Xá ấm no, giàu đẹp. Vùng quê ấy, cách đây 60 năm đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Nói chuyện với nhân dân tại Đình Đào Xá, Bác khen ngợi cán bộ, đảng viên, thanh niên và nhất là các cụ phụ lão xã Vinh Quang nói chung, hợp tác xã Thắng Lợi nói riêng đã biết chọn con đường làm giàu cho mình là trồng cây, cải tạo đồi trọc, đem lại nguồn của cải vô tận. Bác căn dặn cán bộ, đảng viên, nhân dân xã Vinh Quang cần chú ý chăm nom những cây đã trồng và trồng nhiều cây hơn nữa, nhất là những loại cây lấy gỗ; ra sức đẩy mạnh chăn nuôi, trồng màu; tiếp tục phấn đấu trên tất cả các mặt sản xuất, văn hoá để đời sống nhân dân ngày càng no ấm, văn minh.
Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đào Xá luôn thực hiện tốt Phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Hiện, toàn xã có gần 900ha diện tích cây lâm nghiệp. Xã khuyến khích nhân dân đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp kết hợp với chăn nuôi, khai thác thế mạnh về đất lâm nghiệp, đẩy mạnh trồng các cây công nghiệp ngắn ngày nhằm cải thiện đời sống kinh tế hộ, đồng thời vận động người dân chuyển đổi cây trồng rừng từ cây keo, bạch đàn sang trồng cây quế trên đất lâm nghiệp với mô hình điểm khoảng 5-7ha. Công tác trồng cây, trồng rừng, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng được nhân dân quan tâm.
Xác định trồng phải đi đôi với chăm sóc bảo vệ, những năm qua, Đào Xá đã thực hiện giao đất, giao rừng tới hộ, chính quyền xã thường xuyên phối kết hợp với Hạt Kiểm lâm huyện, Trạm Khuyến nông mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng cho nhân dân, chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong trồng rừng và nâng cao ý thức trách nhiệm giữ rừng cho người dân. Hàng năm vào ngày 6-7 tháng Giêng, Đào Xá lại phát động lễ trồng cây trên đồi Bạch Thạch với sự tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân trong xã. Xã đã thành lập đội chữa cháy xung kích, phối hợp với người dân nâng cao tinh thần cảnh giác trong công tác phòng chống cháy rừng, nhất là trong thời điểm những tháng hanh khô.
Tính đến nay, trên địa bàn xã Đào Xá không có diện tích đất trống, đồi núi trọc, hàng năm, xã đều hoàn thành kế hoạch trồng rừng, những diện tích rừng trồng đều phát triển tốt, đây là địa phương làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của huyện Thanh Thủy. Từ rừng, mỗi năm cho nguồn thu khoảng trên 25 tỉ đồng. Kết quả này đã đóng góp không nhỏ vào việc nâng cao đời sống cho người dân Đào Xá, về lâu dài rừng còn mang lại cho họ một cuộc sống đầy đủ sung túc hơn, một môi trường trong lành, không ô nhiễm, bảo vệ sức khoẻ, hạn chế thiên tai.
Theo Chủ tịch UBND xã Lê Quốc Kỳ, phong trào trồng cây, gây rừng đã được phát huy, nhân rộng trong xã. Toàn xã đã đẩy mạnh việc trồng cây phủ xanh đất trống, đồi trọc, bảo vệ môi trường, môi sinh, giữ nguồn nước, nâng độ che phủ của rừng, cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hàng năm, xã đã quy hoạch trồng rừng nguyên liệu, trồng cây sơn lấy nhựa. Người dân đã gắn bó với rừng, làm giàu từ rừng.
Không chỉ riêng Đào Xá khắc ghi lời Bác, hàng năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Thủy nói chung đã tổ chức ra quân thực hiện Tết trồng cây, đồng thời xây dựng kế hoạch khai thác có hiệu quả tiềm năng lâm nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội.
...đến lan tỏa phong trào trồng cây, trồng rừng
Phát huy truyền thống vẻ vang, thành tích trong phong trào trồng cây, gây rừng của những năm tháng lịch sử hào hùng, bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh vẫn luôn khắc ghi lời dạy của Bác bằng những hành động thiết thực. Dù trải qua nhiều hoàn cảnh, nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau song tỉnh vẫn luôn kiên định quan điểm trồng cây, gây rừng, phát triển hệ thống cây xanh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, mỗi cá nhân. Vì vậy, việc tham gia tích cực trồng cây, trồng rừng phát huy truyền thống do Hồ Chủ Tịch khởi xướng đã trở thành phong trào thi đua thiết thực của các cấp, các ngành, các địa phương với sự chung tay của cả cộng đồng, là hành động thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Không chỉ dịp Tết trồng cây, mỗi độ Tết đến, Xuân về, hoạt động trồng cây, gây rừng trên địa bàn tỉnh mới sôi nổi mà nhờ tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, việc trồng cây đã trở thành hành động thường xuyên với hàng loạt các chiến dịch, phong trào được phát động, lan tỏa sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở, được người dân tích cực hưởng ứng, tham gia. Có thể kể một số phong trào đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đô thị theo hướng ngày càng xanh - sạch- đẹp như mô hình “Đường hoa phụ nữ”, chương trình “Vì một Việt Nam xanh”... hay các công trình, phần việc cụ thể trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu...
Cùng với nâng cao ý thức của người dân, huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, các đoàn thể và cả hệ thống chính trị, ở một góc độ khác có thể thấy, việc trồng cây, gây rừng của tỉnh không chỉ lan tỏa rộng rãi mà còn được hoạch định theo chiều sâu, mang tính chiến lược với những quyết sách, mục tiêu thể hiện quyết tâm cao trong phát triển, bảo vệ rừng, hệ thống cây xanh. Bên cạnh đó, thực hiện mục tiêu Đề án “trồng một tỉ cây xanh giai đoạn 2021- 2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động, tỉnh đã ban hành Kế hoạch trồng cây xanh phân tán trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, yêu cầu sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, góp phần xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, phát triển bền vững.
Theo đó, hàng năm, tỉnh thường xuyên tổ chức rà soát, quy hoạch, xây dựng kế hoạch sử dụng đất, xác định quỹ đất trồng rừng phòng hộ, đất trồng mới rừng sản xuất, đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị, đất phát triển trồng cây xanh phân tán vùng nông thôn phù hợp với mỗi địa phương, khu vực. Đồng thời, bố trí ngân sách, dành kinh phí cho hoạt động trồng mới, bảo vệ rừng, triển khai các giải pháp ngăn ngừa cháy rừng có thể xảy ra; phát triển hệ thống cây xanh đi đôi với đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án và kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, huy động các nguồn vốn hợp pháp tham gia, chung tay đóng góp thực hiện trồng, chăm sóc cây xanh vì cộng đồng; phát động thi đua, giao chỉ tiêu kế hoạch trồng cây cho các địa phương, cơ quan, đơn vị và từng khu dân cư. Hiện nay, toàn tỉnh có tổng diện tích rừng gần 170.000ha, trong đó trên 32.000ha rừng phòng hộ, hơn 16.000ha rừng đặc dụng, gần 121.000ha rừng sản xuất. Hàng năm trồng trên 9.000ha rừng tập trung, hơn hai triệu cây phân tán, chăm sóc 28.000ha rừng trồng.
Cùng với chiến lược phát triển hệ thống cây xanh, bảo vệ rừng, tỉnh cũng thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, chỉ đạo, giám sát, phân công trách nhiệm cho các địa phương, tổ chức, đoàn thể trong quá trình trồng, chăm sóc, bảo vệ, quản lý rừng và cây xanh; kịp thời khen thưởng, biểu dương các điển hình tiên tiến trong phong trào, xử lý nghiêm các hành vi phá hoại rừng, cây xanh trên địa bàn, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Sỹ Thành ( Theo Ban Tuyên giáo TW)