TP.HCM: Tìm giải pháp mở rộng người tham gia BHXH ở nơi có quan hệ lao động

ĐÀO TRƯNG - THÁI PHƯƠNG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 31/7/2024, 13:44

(HTV) - Hiện nay, số tiền nợ (chậm đóng) bảo hiểm xã hội tại TP.HCM lên đến hơn 6.800 tỷ đồng. Số người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn thấp so với kế hoạch được giao, trong khi đó, số tiền chậm đóng lại cao.

Đây là vấn đề nan giải, cũng là nội dung hội nghị chuyên đề về giải pháp thúc đẩy mở rộng độ bao phủ người tham gia Bảo hiểm xã hội ở những nơi có quan hệ lao động trên địa bàn TP.HCM do Sở Lao động Thương binh Xã hội TP.HCM, Bảo hiểm xã hội thành phố và Liên đoàn Lao động thành phố phối hợp tổ chức. 

Theo danh sách của BHXH TP.HCM đăng công khai trên website cho thấy hiện có hơn 17.000 đơn vị chậm đóng BHXH từ 3 tháng trở lên. Đến nay, số tiền nợ (chậm đóng) bảo hiểm xã hội tại TP.HCM đã lên đến hơn 6.800 tỷ đồng. Thậm chí có đơn vị chậm đóng đến 12 tháng với số tiền hơn 42,6 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quốc Thanh - Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP.HCM

Ông Nguyễn Quốc Thanh - Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP.HCM cho biết: "Một số doanh nghiệp vì lợi nhuận cố tình trốn hay chậm đóng BHXH nhằm chiếm dụng khoản tiền này. Một số người lao động (NLĐ) chưa hiểu rõ về Pháp luật BHXH, chỉ lo cơm áo trước mắt, chưa lo đến tương lai, nên chưa quan tâm quyền lợi mình trong việc đóng BHXH. Đối với doanh nghiệp, họ còn sử dụng tiền lẽ ra phải đóng BHXH cho mục đích khác, vì vậy khi khó khăn kéo dài, họ phải nợ BHXH ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi NLĐ".

BHXH TP.HCM đã thanh tra, kiểm tra 917 đơn vị. Qua đó, ghi nhận các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng với tổng số tiền 176,3 tỷ đồng, số tiền khắc phục ngay thời điểm thanh tra, kiểm tra là 52 tỷ đồng. Tuy nhiên đây mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, cần nhiều biện pháp để chế tài, xử lý nghiêm minh.

Thượng tá Ngô Thuận Lăng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP.HCM nhận định: "Cơ quan bảo hiểm nên đề xuất phải tách bạch 2 hành vi trốn đóng và đóng chậm, đóng thiếu thành 2 nội dung riêng để hoàn thiện Điều 39 Nghị định 22 để thanh tra, kiêm tra rõ ràng, làm cơ sở pháp lý xử lý vi phạm hành chính hay truy tố trách nhiệm hình sự. Chúng ta cần một quy trình tống đạt chuẩn xác để làm cơ sở ban đầu, nếu tái phạm thì truy tố hình sự. Người lao động cần hiểu, và phải là người tố giác, gửi thông tin cho các cơ quan chức năng, trước hết là BHXH quận huyện và cơ quan điều tra nếu mức độ vi phạm cao hơn".

Công an Thành phố cũng cho biết từ năm 2020 đến nay, cơ quan chức năng đã tiếp nhận 66 vụ việc, tin báo, kiến nghị khởi tố liên quan đơn vị sử dụng người lao động do cơ quan BHXH chuyển qua. Tuy nhiên, vẫn chưa thể khởi tố bất kì vụ án nào do thiếu các quy trình pháp lý, khiến quyền lợi người lao động bị ảnh hưởng.

Ông Phạm Chí Tâm - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM cho hay: "Tư vấn pháp luật cho công đoàn viên và NLĐ là việc quan trọng để họ hiểu về Luật bảo hiểm và các chính sách bảo hiểm. Chúng tôi thành lập 30 tổ tư vấn pháp luật tại công đoàn cơ sở và cấp trên cơ sở tại những doanh nghiệp có 500 lao động trở lên và có những hỗ trợ pháp lý cần thiết khi có những vụ việc xâm phạm quyền lợi hợp pháp của NLĐ".

TP.HCM có lực lượng lao động tập trung đông nhất cả nước, với cường độ làm việc và đóng góp lớn cho nền kinh tế quốc gia. BHXH chính là quyền lợi căn bản mà mỗi người lao động được hưởng chính đáng và hợp pháp, cũng là một chỗ dựa khi những rủi ro, khó khăn nảy sinh trong cuộc sống. Việc chiếm dụng nguồn quỹ này, hay trốn đóng, chậm đóng, đóng thiếu cần sớm được thanh tra, xử lý minh bạch. Muốn vậy, cơ chế hành chính, pháp luật cần được cập nhật, cải tiến phù hợp với thực tiễn. 

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: