(HTV) - Sáng ngày 29/11, tại TP. Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị sơ kết việc thực hiện Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2023 - 2024 và Kế hoạch triển khai giai đoạn 2024 - 2025.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, trong giai đoạn 2023 - 2024, TP.HCM và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai nhiều chương trình hợp tác cấp vùng như kết nối doanh nghiệp, kết nối cung - cầu hàng hóa, xúc tiến đầu tư - thương mại, hợp tác song phương về tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Hội nghị diễn ra với sự tham dự của đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương cùng lãnh đạo TP.HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long
Trong đó, hợp tác trong lĩnh vực y tế với quy mô vùng đã giúp giảm tải cho hệ thống y tế TP.HCM và chăm sóc sức khoẻ người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày một tốt hơn.
Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng và dư địa hợp tác.
Lãnh đạo các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng đề xuất với các bộ, ngành Trung ương thông qua một số cơ chế chính sách đặc thù để phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt với các công trình liên tỉnh, nhằm tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hoá, giảm chi phí logistics, thu hút đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng, tại Hội nghị, cho rằng: “Để Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục phát triển, chúng ta làm được nhiều việc nhưng còn nhiều việc phải làm.
Dư địa để hỗ trợ còn rất nhiều. Thứ nhất, về du lịch có thể tạo các tour tuyến, du khách từ TP.HCM về Đồng bằng sông Cửu Long. Thứ hai là xúc tiến đầu tư. Không chỉ Đồng bằng sông Cửu Long mà các tỉnh phía Bắc cũng tổ chức các hội nghị tại TP.HCM, vì TP.HCM chính là trung tâm kinh tế của cả nước.
Tiếp đó, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường cũng nhận xét rằng: “Trong giai đoạn 2023 - 2024, TP. Cần Thơ tập trung liên kết, cải thiện theo hướng đơn giản hoá. Cần Thơ sẽ tiếp tục ưu tiên quảng bá theo nhiều hình thức và thu hút đầu tư."
Tại Hội nghị sơ kết, nhiều chương trình hợp tác cấp vùng đã được báo cáo nhằm khẳng định tiềm năng hợp tác rất lớn giữa TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long
Về phương hướng triển khai liên kết vùng trong giai đoạn sắp tới, các đại biểu cho rằng: Cần chú trọng phát triển hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, nghiên cứu, khai thác các tuyến vận tải đường thuỷ để phát triển du lịch kết hợp với phát triển giao thương.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi mong muốn tiếp tục thực hiện quan điểm TP.HCM không hợp tác đơn lẻ từng địa phương mà hợp tác theo vùng, trong đó có nội dung liên quan đặc thù từng địa phương, để tất cả cùng có sức mạnh lớn hơn.
Để thỏa thuận hợp tác giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả cao, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị, cần tiếp tục tăng cường trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ; trong đó tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của TP.HCM như: Công nghệ thông tin, Kinh tế số, Dịch vụ, Xây dựng hệ thống logistics,... cho các địa phương. Ngoài ra, mối liên kết cũng cần gắn liền với việc quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng vùng.
Tại Hội nghị, TP.HCM cũng đã liệt kê những nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến nhiều năm tới: Cùng Bộ Giao thông Vận tải hoàn thiện pháp lý để thúc đẩy hoàn thiện cao tốc TP.HCM - Mỹ Thuận, Quốc lộ 50B, Đường ven biển và biên giới; Khẩn trương hoàn thiện đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, cố gắng khởi công trước 2030. TP.HCM sẽ chủ trì nghiên cứu và mời các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long tham gia cùng.
Nhiệm vụ phát triển hạ tầng giao thông một cách đồng bộ sẽ được xem là trọng tâm chiến lược tiếp theo trong phương hướng triển khai liên kết vùng trong giai đoạn sắp tới
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh rằng TP.HCM cam kết sẽ giới thiệu các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tạo động lực đồng hành chính quyền đối với các doanh nghiệp trong hợp tác song phương và đa phương với các tỉnh, thành. Đồng thời, các địa phương trong thỏa thuận hợp tác cũng cam kết tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp từ địa phương mình tham gia vào các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp tại TP.HCM.
TP.HCM cũng sẽ tiếp tục liên kết với từng địa phương trong thúc đẩy phát triển thương mại 2 chiều; hỗ trợ các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh, thành vào hệ thống phân phối của Thành phố.