TP.HCM: Tăng cường nhiều biện pháp tiết kiệm điện mùa nắng nóng

MINH NGỌC - VIỆT TRUNG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 29/4/2024, 22:20

(HTV) - Ngoài nỗ lực của ngành điện, cần sự chung tay của người dân trong việc tiết kiệm điện, chủ động chuyển nhu cầu sử dụng điện chưa cấp thiết ra khỏi khung giờ cao điểm để giảm áp lực giờ cao điểm.

Ngay từ những ngày đầu tháng 4, sản lượng điện tiêu thụ của của toàn quốc tăng cao. Đặc biệt, tại TP.HCM sản lượng liên tiếp tăng cao và đã vượt đỉnh năm 2023 (94,8 triệu kWh - ngày 6/5/2023). Cụ thể, đỉnh mới được lập ngày 9/4 với mốc hơn 97,87 triệu kWh, tăng hơn 3 triệu kWh so với năm 2023. Con số này lần lượt bỏ xa các đỉnh được lập trước đó mốc 95,12 triệu kWh trong ngày 3/4 và mốc 96,89 triệu kWh trong ngày 5/4.

Thời tiết oi bức khiến người dân lẫn doanh nghiệp điện đau đầu tìm cách xử lý. Nguồn ảnh: EVNHCMC

Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC Bùi Trung Kiên cho biết: những ngày cuối tháng 4 và đầu tháng 5, thời tiết oi bức từ sáng sớm và kéo dài đến đêm nên nhu cầu sử dụng điện tăng lên rất cao. Tần suất sử dụng các thiết bị điện trong nhà, nhất là các thiết bị làm mát, giải nhiệt của các hộ gia đình tăng, máy lạnh được sử dụng thường xuyên hơn dẫn đến tiền điện tăng cao so với trung bình sử dụng của những tháng khác trong năm.

"Dự báo sản lượng điện tiêu thụ trong những ngày tới và cả tháng 5/2024 sẽ tiếp tục tăng cao đến 30-40%. Tổng sản lượng tiêu thụ cực đại toàn thành phố dự báo có thể đạt từ 99-100 triệu kWh/ngày; công suất cực đại đạt gần 4.900MW," ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho hay.

Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 3 tháng đầu năm 2024, nhiều ngành kinh tế đã phục hồi tích cực, thời tiết nắng nóng đến sớm và kéo dài nên nhu cầu dùng điện tăng cao. Sản lượng điện thương phẩm 3 tháng đầu năm đạt 62,52 tỉ kWh, tăng 13,85% so với cùng kỳ năm 2023.

Thống kê của EVN cho thấy trong 3 tháng đầu năm, sản lượng điện thương phẩm cả nước đã tăng khoảng 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó ngành nông nghiệp tăng hơn 16%, nhóm khách sạn, nhà hàng, thương mại tăng gần 19%, điện sinh hoạt cũng tăng trên 18%. Riêng khu vực phía Nam, tăng trưởng điện thương phẩm ở TP.HCM đạt hơn 15% và 21 tỉnh còn lại tăng trưởng trên 19%.

Doanh nghiệp đưa ra giải pháp tiết kiệm điện

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN - cho rằng trong bối cảnh tình hình thủy văn không thuận lợi, giá nhiên liệu như than, khí tăng cao nhưng việc cung ứng điện 3 tháng đầu năm đã đảm bảo. Tuy nhiên, do tình trạng nắng nóng dự báo kéo dài, việc vận hành hệ thống điện sẽ có nhiều khó khăn trong các tháng cao điểm nắng nóng (từ tháng 4 đến tháng 7) .

ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực TP.HCM thông tin về tình hình cung ứng điện

Một trong những giải pháp để giảm tiêu thụ điện vào giờ cao điểm đang được ngành điện áp dụng mùa nắng nóng là điều chỉnh phụ tải điện (DR). Đây là chương trình quản lý nhu cầu điện nhằm khuyến khích khách hàng giảm nhu cầu dùng điện vào lúc cao điểm, dịch chuyển sang giờ thấp điểm, góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống và giảm tình trạng lưới điện bị quá tải.

Ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM - cho biết đây là giải pháp nhằm tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần đảm bảo việc cung ứng điện ổn định và hạn chế các sự cố trên hệ thống điện.

Ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM chia sẻ các giải pháp tiết kiệm điện 

Với chương trình này, khách hàng được hưởng các ưu đãi như nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đưa vào danh sách khách hàng ưu tiên cấp điện, rút ngắn thời gian xử lý sự cố lưới điện, hỗ trợ tối đa các yêu cầu phát sinh trong quá trình dùng điện, tư vấn miễn phí về dùng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả…

"Khi doanh nghiệp tham gia điều chỉnh phụ tải điện sẽ giảm chi phí dùng điện do giảm nhu cầu dùng điện vào giờ cao điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ giảm chi phí tiền điện, giảm giá thành sản xuất sản phẩm và dịch vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh", ông Kiên nói.

Theo thống kê sơ bộ của ngành điện, một số doanh nghiệp tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện đã tiết giảm được 25 - 30% tổng công suất tiêu thụ điện, từ đó tiết kiệm được gần 15% tiền điện.

Hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang rà soát tình hình sử dụng điện thương phẩm trong 3 tháng đầu năm 2024 và báo cáo Bộ Công Thương để điều chỉnh kế hoạch vận hành và sử dụng điện. Cùng với đó là các giải pháp nâng cao chất lượng quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành các nhà máy điện và các hệ thống lưới điện truyền tải và phân phối. Đặc biệt là tập trung công tác quản lý sử dụng điện, bao gồm điều chỉnh phụ tải, chuyển phụ tải, tiết kiệm điện, vận hành tối đa các nhà máy điện năng lượng tái tạo…

 

 

Ý kiến của bạn: