TP.HCM tăng cường giám sát và điều trị các dịch bệnh

TẤN KHOA - THIỆN TÙNG - MINH CHƯƠNG - TRỌNG THỨC // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 9/7/2023, 13:42

(HTV) - Đứng trước nguy cơ dịch chồng dịch, thời gian qua, ngành Y tế TP.HCM đã chủ động triển khai, tăng cường nhiều biện pháp phòng chống các loại dịch bệnh.

Thời gian qua, số ca mắc sốt xuất huyết và tay - chân - miệng trên địa bàn TP.HCM đều được ghi nhận gia tăng. Trong đó, mùa cao điểm của bệnh sốt xuất huyết đã bắt đầu và dự kiến sẽ tăng cao trong tháng 7 này. Còn với dịch bệnh tay - chân - miệng vẫn ghi nhận gia tăng số ca bệnh nặng. 

Suốt hơn một tháng qua, nhiều đoàn giám sát công tác phòng chống dịch bệnh đã được Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM triển khai đến các phường, xã, thị trấn nhằm phát hiện sớm, ngăn ngừa dịch bùng phát. 

Nhiều hoạt động giám sát được tăng cường tại địa bàn TP.HCM

Trong đó, các đoàn đã tập trung kiểm tra thực tế, giám sát chặt chẽ tại những điểm nguy cơ, ổ dịch, rà soát, thống kê số liệu bệnh, đề ra nhiều biện pháp xử lý và tái giám sát khi cần thiết. 

Tăng cường giám sát và điều trị các dịch bệnh

Với dịch bệnh tay - chân - miệng, hiện vẫn đang được ghi nhận gia tăng về số ca mắc. Trong đó, Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 mỗi ngày tiếp nhận từ 80 - 90 ca tay chân miệng nhập viện điều trị nội trú, tăng 150% so với các tuần trước. 

Đáng chú ý, hầu như ngày nào tại đây cũng có ca chuyển nặng phải đặt nội khí quản, hỗ trợ thở máy, truyền thuốc tim mạch,… 

Mặc dù gặp nhiều khó khăn về nguồn lực điều trị tuy nhiên các y bác sĩ vẫn kịp thời có nhiều giải pháp để cứu chữa bệnh nhi.

Hiện, hơn 50% lượng bệnh nhi tay - chân - miệng đang điều trị tại TP.HCM đến từ các tỉnh khác. Những trường hợp trên có thể theo dõi, điều trị tại y tế tuyến tỉnh. 

Số lượng bệnh nhi mắc bệnh tay - chân - miệng ngày một tăng

Do đó, bên cạnh việc chủ động phòng ngừa dịch bệnh, phụ huynh khi có con nhỏ mắc bệnh hãy đến khám tại các cơ sở y tế địa phương trước nhằm xác định tình trạng của bé có cần chuyển viện hay không. Điều này không chỉ giúp giảm tải cho y tế tuyến trên mà còn giúp các bé được theo dõi, điều trị kịp thời, tránh phân tán nguồn lực dẫn đến hậu quả không đáng có.

 

Ý kiến của bạn: