TP.HCM sẽ phát triển đô thị quanh nhà ga, đường sắt giống Singapore

PHƯƠNG KHANH Tổng hợp // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 8/6/2023, 16:30

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông cho TP.HCM nhằm tạo không gian xung quanh nhà ga, đường sắt hiện đại như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Chiều 8/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trước đó đã gửi các đại biểu Quốc hội báo cáo một số nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ về Dự thảo Nghị quyết này.

TP.HCM là một đô thị đặc biệt, lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế. Nơi đây đóng góp 27% tổng thu ngân sách và khoảng 17% GDP cả nước, nhưng nay đứng trước nhiều thách thức lớn về định hướng phát triển.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng phạm vi chính sách được đề xuất cho TPHCM khá rộng, trên nhiều lĩnh vực. Ảnh minh họa: Hoàng Giám

 Tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước của TP.HCM có chiều hướng suy giảm, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp.

Nhiều vấn đề xã hội phát sinh nhưng chưa được giải quyết triệt để như giao thông quá tải và ùn tắc; triều cường, ngập úng, ô nhiễm môi trường gia tăng; nhà ở, bệnh viện, trường học chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Năm 2021, Thành phố tăng trưởng âm, năm 2022 có phục hồi song quý I tăng trưởng thấp hơn cả nước.

Vì vậy, các đại biểu Quốc hội nhất trí TP.HCM cần một thể chế mới phù hợp hơn với vai trò, vị trí trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung, có khả năng cạnh trạnh với các siêu đô thị trong khu vực và thế giới.

Đi vào các chính sách cụ thể, liên quan việc phân bổ và bố trí vốn đầu tư công, có ý kiến đề nghị không quy định nội dung cho phép TP.HCM được sử dụng nguồn tăng thu ngân sách địa phương để bố trí cho các dự án đầu tư công mới.

Giải trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn hàng loạt quy định và nhấn mạnh việc quyết định giao kế hoạch đầu tư công trung hạn bao gồm nguồn thu tăng thêm thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Dự thảo Nghị quyết quy định TP.HCM được thực hiện trước việc bổ sung nguồn thu dự kiến có thêm vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, làm cơ sở bố trí vốn hàng năm cho các đối tượng đầu tư công, và báo cáo Quốc hội vào năm cuối kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chính sách này nhằm tạo sự chủ động cho Thành phố, phù hợp với tình hình thực tiễn để bố trí vốn được ngay cho đối tượng đầu tư công, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn và tháo gỡ khó khăn về cơ sở hạ tầng của TP.HCM.

Về thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD), đa số ý kiến tán thành, song đề nghị bổ sung trách nhiệm trong tuân thủ quy hoạch; nguyên tắc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong bồi thường.

Phối cảnh cầu bộ hành kết nối nhà ga Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: MAUR 

Theo lý giải của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mục đích của chính sách này nhằm tạo ra một số không gian xung quanh các điểm nhà ga, đường sắt, đường vành đai để phát triển đô thị và các dịch vụ liên quan đồng bộ, hiện đại như mô hình của một số nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc).

"Đây là chính sách góp phần huy động nguồn lực đầu tư các dự án, tạo đồng bộ trong phát triển đô thị và giao thông, làm tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước từ chênh lệch địa tô của các khu đất đem lại, góp phần tháo gỡ khó khăn trong tạo quỹ đất sạch để triển khai các dự án đô thị", Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Lý giải rõ hơn về vùng phụ cận, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết vùng này được xác định bằng phạm vi mà cư dân có thể đi bộ hoặc di chuyển dễ dàng từ nhà ở, nơi làm việc đến các đầu mối giao thông công cộng như ga tàu, trạm xe buýt hoặc bến tàu điện ngầm. Phạm vi này thường được giới hạn bằng bán kính đi bộ trong khoảng 400 - 500 mét từ các đầu mối giao thông công cộng.

Trước một số lo ngại việc điều chỉnh các vùng phụ cận sẽ làm giảm chất lượng đô thị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh trong một số trường hợp, việc điều chỉnh mật độ xây dựng có thể được áp dụng một cách linh hoạt và cân nhắc.

Cụ thể, với trường hợp thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng có thể kiểm soát quy hoạch, tối ưu hóa sử dụng đất, tăng cường tích hợp xã hội.

"Điều này sẽ tạo ra một môi trường sống đô thị đa dạng, kết nối và thân thiện, tạo điều kiện cho sự giao tiếp và tương tác giữa các cư dân", Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.

Theo: Bộ Kế hoạch và Đầu tư 

>>> Xin mời quý vị đón xem Chương trình 60 giây, Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: