TP.HCM đẩy mạnh chuyển đổi công nghiệp hỗ trợ: Bước đệm thu hút FDI và phát triển bền vững

THU HIẾU - MINH CHƯƠNG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 29/8/2024, 07:55

(HTV) - Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ 2024 tại TP.HCM là cơ hội vàng để thu hút đầu tư FDI, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ, và chuyển đổi theo hướng công nghệ cao, góp phần vào tăng trưởng bền vững của TP.HCM.

Tại TP.HCM, nhiều khu công nghiệp đã phát triển suốt 30 năm qua và hiện nay đang bước vào giai đoạn cần chuyển đổi theo hướng công nghệ cao. Trong quá trình này, sự nỗ lực và quyết tâm của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ là rất quan trọng để thu hút dòng vốn đầu tư FDI. Đây là phát biểu của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan trong lễ khai mạc Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ 2024 diễn ra vào chiều ngày 28/8.

Hội nghị năm 2024 thu hút sự tham gia của hơn 22 doanh nghiệp FDI và hơn 130 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Hơn 300 cuộc gặp gỡ trực tiếp và trực tuyến đã được sắp xếp, tạo cơ hội hợp tác và kết nối giữa các bên.

Hội nghị năm 2024 thu hút hơn 150 doanh nghiệp, với hơn 300 cuộc gặp gỡ được sắp xếp để tạo cơ hội hợp tác

Với chủ đề "Sự sẵn sàng của công nghiệp hỗ trợ trong chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp mới nổi", hội nghị lần thứ 7 tập trung vào việc cung cấp thông tin về xu hướng thị trường của các ngành công nghiệp giá trị cao như y tế, hàng không vũ trụ, và vi mạch bán dẫn. Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh, thành phố coi đây là 3 ngành mũi nhọn trong phát triển tương lai.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan

Ông Hồ Hiếu Trung - Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty Cơ khí Thương mại Nhật Long, nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp có năng lực gia công trong nước cần phải hiểu rõ các yêu cầu để chuẩn hóa theo tiêu chuẩn của các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra vài thách thức lớn mà các doanh nghiệp nội địa đang phải đối mặt. Thứ nhất là các tiêu chuẩn khắt khe về nguyên liệu, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng đáp ứng yêu cầu. Thứ hai là năng lực gia công, một yếu tố then chốt cần được nâng cao. Cuối cùng, ông cho rằng việc gặp gỡ trực tiếp với các đối tác FDI là rất cần thiết để nắm bắt rõ ràng các yêu cầu và tiêu chuẩn từ phía họ.

Doanh nghiệp cần chuẩn hóa quy trình để đáp ứng các tiêu chuẩn FDI đề ra

 Bà Lê Nguyễn Duy Oanh - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp Hỗ trợ TP.HCM, bày tỏ hy vọng rằng qua các cuộc kết nối này, các doanh nghiệp sẽ nhận ra tiềm năng thị trường và từ đó xây dựng chiến lược sản xuất dài hạn, bền vững nhằm thúc đẩy nhu cầu theo Nghị quyết 98. Khi có cơ hội thị trường, các doanh nghiệp sẽ có động lực mở rộng sản xuất theo hướng kinh tế xanh và kinh tế số, góp phần vào sự phát triển bền vững.

Lĩnh vực công nghiệp chiếm 18% GRDP của TP.HCM, là một trong 7 ngành mũi nhọn. Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với doanh nghiệp nhỏ và vừa giữ vai trò then chốt, góp phần thu hút đầu tư FDI. Bên cạnh kết nối, TP.HCM cũng đang triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất và chính sách ưu tiên để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: