(HTV) - TP.HCM lưu giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa của các dân tộc thiểu số với những lễ hội truyền thống đặc sắc như: Đua Ghe Ngo, Ok Om Bok, v.v. Những hoạt động này không chỉ bảo tồn bản sắc mà còn góp phần thắt chặt tình đoàn kết của cả cộng đồng.
Đua ghe Ngo, gắn liền với tín ngưỡng người Khơ-me, là nghi thức cầu mưa thuận gió hòa và mùa màng bội thu. Lễ hội đua ghe Ngo Quận 3 năm 2024 vừa qua có 12 đội tham gia từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Anh Danh Diện - Đội Khlang Mương, tỉnh Kiên Giang, chia sẻ: "Tôi đã chuẩn bị cho cuộc đua này khoảng nửa tháng, đây là lần thứ hai tôi tham gia. Lần trước, đội tôi đã giành chức vô địch. Đua ghe là hoạt động phổ biến ở Kiên Giang, đặc biệt là vào rằm tháng 11. Tuy nhiên, lần này đua ở TP.HCM, tôi cảm thấy rất phấn khởi và học hỏi được nhiều điều từ các đội bạn đến từ các tỉnh khác".
Tại TP.HCM đã diễn ra lễ hội đua ghe Ngo truyền thống của đồng bào Khơ-me
Bà Vũ Thị Mỹ Ngọc - Phó Chủ tịch UBND Quận 3, TP.HCM, cho biết: "Đây là hình thức đua ghe thu nhỏ. Theo truyền thống, một đội đua ghe phải có 60 thành viên chèo trên chiếc ghe lớn. Tuy nhiên, do không gian của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè không đủ rộng, chúng tôi đã quyết định thu nhỏ đội hình, mỗi đội sẽ có 10 tay chèo. Chúng tôi cũng chọn tháng 11, thời gian diễn ra lễ kỷ niệm Mặt trận Dân tộc, để hoạt động đua ghe không chỉ là một trò chơi mà còn là một hình thức văn hóa nêu cao tinh thần đại đoàn kết, trong đó có cả bà con đồng bào Khmer".
Tại chùa Candaransi, Quận 3, TP.HCM, đã diễn ra nhiều hoạt động chào mừng Lễ hội Ok Om Bok, một lễ hội truyền thống của người Khmer ở các tỉnh Nam Bộ. Lễ hội mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên, cầu mong mưa thuận gió hòa và cuộc sống an lành. Đại đức Châu Hoài Thái, Phó trụ trì chùa Candaransi, chia sẻ: "Các nghi thức như đút cốm dẹp và thắp đèn hoa đăng trong lễ hội là cách để người Khmer thể hiện niềm hy vọng, cầu chúc bình an và hạnh phúc, đồng thời tri ân các giá trị truyền thống. Chúng tôi luôn cố gắng duy trì những hoạt động này để bảo tồn văn hóa dân tộc".
Lễ hội Ok Om Bok là một lễ hội mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc và cũng mang lại nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống
Địa bàn Quận 5, TP.HCM cũng là nơi gìn giữ các giá trị văn hóa, kiến trúc và tôn giáo từ hàng trăm năm trước. Hội quán, nơi tập trung văn hóa của người Hoa, là một trong những địa điểm nổi bật. Tháng 01/2020, "Tập Quán Xã Hội và Tín Ngưỡng Tết Nguyên Tiêu của Người Hoa" tại Quận 5 đã được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia.
Ông Lư Chấn Lợi - Trưởng Ban Quản trị Hội quán Tuệ Thành, chia sẻ: "Mục tiêu của chúng tôi là bảo tồn văn hóa dân tộc, phát triển giáo dục, và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Các hoạt động tín ngưỡng tại hội quán đều gắn liền với các nghi thức thờ cúng, nhằm duy trì những giá trị văn hóa truyền thống".
Các lễ hội truyền thống thu hút được sự đông đảo quan tâm từ người dân
Từ văn hóa, phong tục tập quán đến các hoạt động nghệ thuật truyền thống, các cộng đồng dân tộc thiểu số tại TP.HCM không chỉ bảo tồn bản sắc mà còn đóng góp vào sự phong phú của nền văn hóa chung của Thành phố, đồng thời góp phần tích cực vào việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9