Tổng thống Hàn Quốc gặp khó sau thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội

NHẬT MINH - MAI LAN - QUỐC KHANH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 17/4/2024, 21:00

(HTV) - Đảng Sức mạnh Quốc dân của Tổng thống Yoon Suk Yeol đã thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội Hàn Quốc. Nhiều người chỉ trích ông Yoon đã không quản lý hiệu quả vấn đề kinh tế, để giá cả tăng cao, và người dân đã thể hiện sự tức giận qua lá phiếu.

Tổng thống Yoon Suk Yeol bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

Từ một nguyên liệu nấu ăn, hành lá đã trở thành biểu tượng thể hiện sự phản đối của người Hàn Quốc trước tình hình vật giá leo thang. Thậm chí, các ứng viên đối lập còn lấy mặt hàng này để phát biểu tranh cử, thu hút sự chú ý của cử tri.

Tháng Ba vừa qua, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã thăm một siêu thị ở thủ đô Seoul. Tại quầy hành lá, ông nói rằng mức giá 875 won cho một bó hành là "hợp lý". Tuy nhiên, thực chất mặt hàng này chỉ giảm giá trong một thời gian ngắn nhờ trợ cấp của chính phủ, còn mấy tuần gần đây một bó hành được bán với giá từ 3.000 đến 4.000 won, tức từ 55.000 đến 72.000 đồng.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol thăm siêu thị Hanaro Mart ở thủ đô Seoul. Ảnh: AFP

Chuyến thăm siêu thị của Tổng thống Hàn Quốc nhằm thể hiện sự đồng cảm với người dân đối mặt với khó khăn do giá cả tăng vọt, nhưng lại khiến họ nghi ngờ ông không thấu hiểu tình cảnh thật sự của dân chúng.

Không chỉ hành lá, giá nông sản tại Hàn Quốc trong tháng Ba vừa qua đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá táo thì tăng gần 90% - mức tăng lớn nhất trong một năm kể từ năm 1980.

"Lúc trước, một lần đi chợ tôi chỉ tốn khoảng 50.000 won. Giờ thì con số đó đã tăng lên khoảng 70.000 đến 80.000 won. Tôi nghĩ chính phủ cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc kiềm chế lạm phát", một bà nội trợ ở Hàn Quốc chia sẻ.

Người dân Hàn Quốc biểu tình phản đối giá nông sản tăng. Ảnh: AFP

Lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập - Lee Jae-myung, sử dụng hành lá để phát biểu tranh cử. Ảnh: AFP

Ngoài vấn đề giá cả, cuộc đình công kéo dài nhiều tuần của hàng ngàn bác sĩ nội trú Hàn Quốc cũng khiến chính phủ đau đầu. Các bác sĩ thực tập và nội trú nghỉ việc đồng loạt để phản đối chính sách tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y, với lý do các trường y không thể đảm bảo chất lượng giảng dạy, nếu số lượng sinh viên tăng vọt và chất lượng y tế sẽ bị ảnh hưởng.

Kế hoạch tăng tuyển sinh trường y của Tổng thống Yoon ban đầu giúp tỉ lệ ủng hộ đảng cầm quyền tăng lên, nhưng khi cuộc đình công của các bác sĩ kéo dài, tình hình đã thay đổi. Hệ thống y tế bị gián đoạn đã gây khó khăn cho nhiều bệnh nhân và gia tăng sức ép để chính quyền của Tổng thống Yoon thỏa hiệp với các bác sĩ.

Theo các nhà quan sát chính trị, các vấn đề liên quan tới Đệ nhất Phu nhân Hàn Quốc cũng tác động tới quyết định của nhiều cử tri trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua. Bà Kim Keon-hee đã không xuất hiện trước công chúng kể từ cuối năm ngoái.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc không giải thích lý do vắng mặt của bà trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều người dân Hàn Quốc cho biết họ không cảm thấy ngạc nhiên vì điều đó.

Giới quan sát cho rằng việc Đệ nhất Phu nhân Kim Keon-hee không xuất hiện trước công chúng sau chuyến thăm Hà Lan hồi tháng 12/2023 nhằm bảo vệ hình ảnh của Tổng thống Yoon và đảng cầm quyền trước những bình luận tiêu cực.

Tổng thống Yoon Suk-yeol và Đệ nhất Phu nhân Kim Keon-hee thăm chính thức Hà Lan ngày 12/12/2023. Ảnh: Reuters

Đệ nhất Phu nhân Hàn Quốc vắng bóng trước công chúng

Bà Kim đang bị cáo buộc thao túng giá cổ phiếu công ty Deutsch Motors trong giai đoạn 2009-2012.

Sau đó, bà lại bị tố nhận một chiếc túi hiệu Christian Dior với giá khoảng 3 triệu won (tương đương 2.200 đô la Mỹ) từ một mục sư người Mỹ gốc Hàn. Trong khi luật pháp Hàn Quốc cấm quan chức, và vợ hoặc chồng của người đó nhận bất kỳ món quà nào giá trị hơn 750 đô la Mỹ.

Tổng thống Yoon cho biết vợ ông buộc phải nhận chiếc túi do không thể từ chối, và nói thêm đây là một âm mưu chính trị. Tuy nhiên, bà Kim không lên tiếng giải thích.

Đệ nhất phu nhân Hàn Quốc Kim Keon-hee phát biểu tại một sự kiện ở thủ đô Seoul. Ảnh: Reuters

Hãng tin Reuters nhận định những rắc rối của bà Kim đã góp phần khiến Tổng thống Yoon gặp bất lợi. Theo một cuộc thăm dò của hãng Realmeter vào đầu tháng Tư, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Yoon đã giảm từ 41,9% xuống còn 36,3%. Tỷ lệ ủng hộ đảng cầm quyền là 35,4%, thấp hơn mức 43,1% của đảng Dân chủ đối lập.

Chiến thắng áp đảo giúp phe đối lập kiểm soát Quốc hội, có thể khiến Tổng thống Yoon gặp nhiều khó khăn để thúc đẩy chính sách đối nội trong phần còn lại nhiệm kỳ của mình.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định các chính sách đối ngoại lớn của Tổng thống Yoon sẽ không thay đổi vì thông thường chúng không cần đến sự chấp thuận của Quốc hội. Chính phủ Hàn Quốc được cho là sẽ tiếp tục cứng rắn với Triều Tiên, đồng thời tăng cường mối quan hệ với Mỹ và Nhật Bản.

Máy bay chiến đấu F-15K của Hàn Quốc tham gia tập trận cùng với Mỹ. Ảnh: AP

Theo phân tích của kênh BBC, Tổng thống Yoon đã thành công trong việc mở rộng mối quan hệ với thế giới. Kể từ thời điểm nhậm chức, ông đã muốn Hàn Quốc đóng một vai trò lớn hơn trên trường quốc tế.

Trái với người tiền nhiệm Moon Jae-in muốn xây dựng hòa bình với Triều Tiên, ông Yoon lại tỏ ra cứng rắn với Bình Nhưỡng bằng cách tăng cường các cuộc tập trận trên bán đảo Triều Tiên và áp đặt trừng phạt đối với nước láng giềng. Những hành động này đã khiến Triều Tiên đẩy mạnh thử vũ khí hơn bao giờ hết, làm cho mối quan hệ liên Triều trở nên căng thẳng nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (trái), Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio gặp nhau tại Camp David, Maryland, Mỹ. Ảnh AP

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Tổng thống Yoon và Mỹ lại trở nên nồng ấm. Củng cố liên minh giữa Seoul và Washington luôn là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của ông.

Ông Yoon còn nhận được sự tôn trọng hơn nữa từ phía Mỹ khi bỏ lại phía sau các tranh chấp lịch sử với Nhật Bản, để thúc đẩy mối quan hệ ba bên Mỹ-Hàn-Nhật. Các nhà ngoại giao phương Tây đã ca ngợi bước đi này của ông.

Tuy nhiên, thử thách lớn nhất và khó đoán nhất mà Tổng thống Yoon phải đối mặt đó là khả năng ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng. Khi còn là Tổng thống, ông Trump đã đe dọa rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi lãnh thổ Hàn Quốc. Các chuyên gia cho rằng việc ông Trump tái đắc cử có thể buộc ông Yoon phải thay đổi cách tiếp cận và hướng đi.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

 

Ý kiến của bạn: