Được phép xuất khẩu ít nhất 2 triệu tấn than có giá trị thương mại cao để phần nào bù lỗ cho lượng than bán cho các nhà máy nhiệt điện với giá dưới giá thành sản xuất, nhưng TKV mỗi năm chỉ xuất được số lượng ít vài trăm nghìn tấn.
Theo quy hoạch năng lượng quốc gia đến năm 2030, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) được phép mỗi năm xuất khẩu từ 2 - 3 triệu tấn than đẹp. Đây là những loại than có giá trị kinh tế cao, nhưng nhu cầu trong nước ít sử dụng, nhằm góp phần cân đối tài chính, chi phí sản xuất cho TKV, bởi phần lớn sản lượng than của TKV hiện nay đều dành cho các nhà máy nhiệt điện, nhưng lại được bán dưới giá thành sản xuất, nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.
Khai thác than ở thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Nguồn ảnh: Nguyễn Hùng
Tuy nhiên, cũng như những năm trước, lượng than xuất khẩu của TKV năm 2023 lại thấp hơn nhiều so với chủ trương, chỉ đạt hơn 840.000 tấn, ước tính bằng khoảng 60% kế hoạch năm.
Theo trả lời của đại diện Ban Kinh doanh than - TKV, một trong những lý do chính khiến lượng than xuất khẩu không được như mong muốn là do việc cấp giấy phép xuất khẩu than lâu nay vẫn thực hiện theo từng năm - nghĩa là xuất khẩu năm nào thì xin giấy phép cho năm đó.
Năm 2023, TKV xin giấy phép xuất khẩu than từ cuối năm 2022 nhưng đến tháng 04 mới có được giấy phép xuất khẩu. Việc cấp giấy phép muộn và ngắn hạn khiến cả TKV và các đối tác kinh doanh khó có thể chủ động sản xuất, mua bán.
“Thường cuối năm nay xin thì tháng 04 năm sau mới có giấy phép. Việc này dẫn tới có những thời điểm thị trường thuận lợi, giá than xuất khẩu cao thì lại chưa có giấy phép, lúc có giấy phép thì giá thị trường lại xuống. Bạn hàng cũng thế, từ những tháng cuối năm trước đã phải có kế hoạch chuẩn bị cho cả năm sau rồi, nên nếu mình vẫn chưa có giấy phép bán thì họ phải đi đặt mua ở những nơi khác”, ông Đinh Quang Trung - Phó trưởng Ban Kinh doanh than - TKV, cho biết.
Để khắc phục tình trạng này, từ tháng 8/2023, TKV đã đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cho phép thực hiện xuất khẩu than theo giấy phép 05 năm, thay vì theo từng năm như hiện nay.
Đề xuất này đã được Chính phủ đồng ý và giao các bộ, ngành liên quan xử lý, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Khai thác than hầm lò ở TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Nguồn ảnh: Phạm Cường
Hiện tại, các đối tác xuất khẩu than của TKV chủ yếu vẫn đến từ thị trường Nhật Bản, Nam Phi, Hà Lan,… Có những thời điểm, giá than lên tới 419 USD/tấn, nhưng giá bình quân năm 2023 đã giảm xuống còn hơn 313 USD/tấn.
Tuy nhiên, do than xuất khẩu không có nhu cầu sử dụng nhiều trong nước và lại giá cao nên việc xuất khẩu loại than trên sẽ giúp TKV cân đối tài chính, bởi hiện TKV vẫn phải bán than sản xuất trong nước cho các nhà máy nhiệt điện với giá dưới mức giá thành sản xuất, trong khi lượng than sản xuất của TKV chủ yếu là để phục vụ các đối tượng khách hàng này.
Năm 2023, TKV đã cung cấp 39,85 triệu tấn than cho các nhà máy nhiệt điện - là năm sản lượng than cung cấp cho sản xuất điện đạt cao nhất từ trước đến nay, tăng 4,8 triệu tấn so năm 2022.
Năm 2024, TKV dự kiến tiêu thụ 50 triệu tấn than; than sạch sản xuất đạt 37,39 triệu tấn; nhập khẩu 14,3 triệu tấn và xuất khẩu 1,4 triệu tấn.
Nguồn: Lao Động
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9