Số ca mắc mới bệnh tay chân miệng ở TP.HCM chưa có dấu hiệu giảm với nhiều ca nặng. Đáng lưu ý, năm nay nhiều trẻ mắc tay chân miệng không có triệu chứng sốt cao nhưng vẫn diễn tiến nặng, phải thở máy.
Tại Khoa Hồi sức bệnh nhiễm và COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM, số lượng lớn bệnh nhi mắc tay chân miệng vẫn đang điều trị. Trong đó, có những trẻ phải điều trị tích cực, thở máy.
BSCKI Trần Ngọc Lưu cho biết, Khoa Hồi sức bệnh nhiễm và COVID-19 của Bệnh viện có hơn 150 ca, trong đó đã có hơn 130 ca mắc tay chân miệng. Bệnh viện bố trí giường xếp, tận dụng khoảng trống hành lang của Khoa để bệnh nhân nằm, cố gắng đảm bảo mỗi bé một giường, tránh việc nằm giường đôi, giường ba.
Bệnh nhân tay chân miệng tại Khoa Hồi sức bệnh nhiễm và COVID-19. Nguồn ảnh: Kim Vân
Cùng với đó, PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên - Trưởng khoa Hồi sức nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, Bệnh viện đang điều trị, theo dõi khoảng 140 trẻ mắc bệnh tay chân miệng.
Riêng Khoa Hồi sức nhiễm đang điều trị 8 trẻ, trong đó có 3 trẻ phải thở máy. Mỗi ngày đều có trẻ mắc tay chân miệng nặng mới nhập viện. Các trẻ thường nằm viện tại Khoa 7 - 10 ngày, trong đó đặt nội khí quản 3 ngày, hồi sức 4 - 5 ngày.
Điều đáng lưu ý năm nay là có nhiều trẻ bị tay chân miệng không có triệu chứng sốt cao nhưng vẫn diễn tiến nặng, rối loạn trung tâm hô hấp như ngừng thở, phải đặt nội khí quản nhiều hơn so với những năm trước. Năm 2011, dịch tay chân miệng đã khiến khoảng 150 trẻ tử vong nhưng cũng không nhiều trẻ phải đặt nội khí quản như năm nay.
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng năm nay thường không sốt cao nhưng diễn tiến nặng, nhiều trẻ phải đặt nội khí quản thở máy. Nguồn ảnh: Kim Vân
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho hay, tính từ ngày 24/7 đến ngày 30/7/2023 (tuần 30), số ca mắc bệnh tay chân miệng tiếp tục tăng nhanh tại TP.HCM với 2.665 ca bệnh được ghi nhận, tăng gấp 1,4 lần so với trung bình 4 tuần trước là 1.862 ca.
Tại 21/22 quận huyện (trừ huyện Cần Giờ) ghi nhận số ca mắc tay chân miệng trong tuần 30 tăng so với trung bình 4 tuần trước. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao, gồm: quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và quận Tân Phú.
Theo các bác sĩ, một trong những nguyên nhân chính khiến tay chân miệng năm nay đến sớm và các ca chuyển nặng hơn là do sự xuất hiện của chủng virus EV71. EV71 là tác nhân gây ra các cơn dịch lớn vào các năm 2011 và năm 2018.
Do vậy, Sở Y tế khuyến cáo nên tăng cường các giải pháp phòng dịch, vì theo dự báo, số ca mắc tay chân miệng và ca nặng sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Trước tình hình số ca mắc mới của bệnh tay chân miệng chưa có dấu hiệu giảm với nhiều ca nặng, BSCKI Trần Ngọc Lưu chỉ ra các dấu hiệu phát hiện trẻ mắc bệnh tay chân miệng gồm: Sốt (nhẹ đến cao), loét miệng, nổi hồng ban mụn nước ở các vị trí thường gặp: lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, khuỷu, mông.