Tín ngưỡng thờ phượng cá Ông tại Phước Hải

Đan Quỳnh 11/5/2025, 14:11

Sau 3 năm chôn cất cá Ông ở nghĩa địa, ngư dân Phước Hải tiến hành bốc mộ cá, đưa cốt về Dinh Ông Nam Hải cách đó 500m để làm lễ cúng, thờ.

Khi đối diện với cuộc mưu sinh cam go trên biển, ngư dân làng chài Phước Hải nói riêng và những vùng biển khắp Việt Nam nói chung đều tin rằng có một vị thần của đại dương hộ trợ tai qua nạn khỏi. Đó là cá voi, tên khoa học là Cetacea, thường được người dân cung kính gọi là "Cá Ông" hay "Nam Hải đại tướng quân".

Cá voi có não bộ thông minh và những cảm nhận như con người. Sự xuất hiện của cá voi hiện thân như sự cứu độ, cứu sinh đối với ngư dân trên biển cả bao la. Tục thờ cá Ông luôn tuân theo quy trình nghiêm ngặt trong tín ngưỡng dân gian của người dân vùng biển. Khi cá Ông luỵ (chết), ngư dân đầu tiên phát hiện sẽ đưa về nghĩa địa chôn cất, chịu tang như cha mẹ. 

Một phần mộ cá Ông được an táng tại nghĩa trang

Tại Phước Hải, Cá Ông được chôn cất tập trung ở một nghĩa địa. Nghĩa địa này rộng khoảng 2.000m², được thành lập từ năm 1999, nằm sát bờ biển. Năm 2011, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập đây là nghĩa địa Cá Ông lớn nhất Việt Nam. Sau 3 năm chôn cất cá Ông ở nghĩa địa, ngư dân thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) tiến hành bốc mộ cá, đưa cốt về Dinh Ông Nam Hải cách đó 500m để làm lễ cúng, thờ.

Dinh Ông Nam Hải tại thị trấn Phước Hải

Hàng năm, lễ hội Nghinh Ông được người dân tổ chức trang nghiêm và long trọng như cách để thể hiện lòng biết ơn với những "vị thần hộ mệnh" trên biển cả của họ. Người dân tin rằng cá Ông là linh vật che chở cho ghe thuyền, bảo vệ người đi biển và mang lại mùa cá bội thu. Chính vì vậy, lễ hội Nghinh Ông được xem như lễ hội quan trọng nhất trong tín ngưỡng của người dân làng chài Phước Hải này...

Việt Nam đi là ghiền - 11g50 thứ Sáu hàng tuần trên HTV7.

Ý kiến của bạn: