Thỏa thuận tại Hội nghị thượng đỉnh Amazon vẫn còn nhiều lỗ hổng

VIỆT TOÀN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 10/8/2023, 21:00

Các chuyên gia chính sách khí hậu cho biết, biến đổi khí hậu, khai thác dầu mỏ và nạn phá rừng là những lỗ hổng chính trong thỏa thuận đạt được sau khi Hội nghị thượng đỉnh Amazon bế mạc tại Brazil hôm qua 9/8.

Tuyên bố chung nhằm tạo ra một liên minh chống phá rừng được đưa ra ngày 8/8 tại thành phố Belem của Brazil và được đặt tên theo thành phố chủ nhà.

Bà Camila Jardim - Chuyên gia chính sách khí hậu tại GreenPeace đưa ra đánh giá qua video. Nguồn ảnh: Reuters.

Bà Camila Jardim - Chuyên gia chính sách khí hậu tại GreenPeace cho biết: "Tuyên bố cuối cùng là một tuyên bố rất chung chung và mặc dù nó đề cập rằng việc chấm dứt nạn phá rừng trong khu vực là một chính sách sẽ được theo đuổi, nó không thiết lập các tiêu chí cụ thể".

Tuy vậy, các quốc gia lại có vẻ như muốn theo đuổi các mục tiêu phá rừng của riêng họ.

Ông Curt Holle - Đại diện quốc gia tại Quỹ động vật hoang dã thế giới Peru nói về việc muốn theo đuổi các mục tiêu phá rừng khác nhau. Nguồn ảnh: Reuters.

Ông Curt Holle - Đại diện quốc gia tại Quỹ động vật hoang dã thế giới Peru - nhận thấy điều tích cực là các nước đã bắt đầu đặt lên hàng đầu mối quan tâm của họ. Tuy vậy, mục tiêu chấm dứt nạn phá rừng không phải là mục tiêu chung cho tất cả các quốc gia trong khu vực. Vì vậy, không phải tất cả các quốc gia đều có thể cam kết chấm dứt nạn phá rừng trước thời hạn 2030.

Hội nghị thượng đỉnh tuần này đã quy tụ Tổ chức Hiệp ước Hợp tác Amazon (ACTO) lần đầu tiên sau 14 năm. Kế hoạch đề ra đã đạt được một thỏa thuận sâu rộng về các vấn đề từ chống phá rừng đến tài trợ cho phát triển bền vững.

Ông Claudio Angelo - Quản lý chính sách khí hậu tại Observatorio Climatico nhấn mạnh thỏa thuận ở Belem là chưa đủ mạnh mẽ để giải quyết vấn đề. Nguồn ảnh: Reuters.

Ông Claudio Angelo - Quản lý chính sách khí hậu tại Observatorio Climatico cho hay: "Có rất nhiều điểm tích cực, cả trong Hội nghị thượng đỉnh và trong tuyên bố. Điều đáng tiếc duy nhất là cả Hội nghị thượng đỉnh lẫn tuyên bố đều không thể phản ứng thích đáng với bối cảnh biến đổi khí hậu mà chúng ta đang sống hiện nay. Chúng ta đang ở trong tình trạng khẩn cấp về khí hậu và tiến trình đa phương, từ những gì chúng ta đã thấy ở Belem này đây, là không đủ để giải quyết vấn đề".

Tuy nhiên, căng thẳng đã nổi lên khi các quốc gia Amazon từ chối chiến dịch đang được Tổng thống Colombia Gustavo Petro thực hiện, nhằm chấm dứt hoạt động khai thác dầu mới ở Amazon.

Ông Claudio Angelo cũng cho rằng, không chỉ Amazon mà cả thế giới cần dừng ngay việc cho thuê, nhượng quyền và khai thác nhiên liệu hóa thạch mới. Ông cảm thấy tiếc khi Tổng thống Colombia không thể theo đuổi mục tiêu loại bỏ hoạt động khai thác dầu mỏ ở Amazon do không nhận được sự đồng ý của các quốc gia sản xuất dầu mỏ khác, đặc biệt là Brazil.

Brazil đang cân nhắc phát triển một mỏ dầu khổng lồ gần cửa sông Amazon và bờ biển phía Bắc. Nguồn ảnh: Reuters.

Brazil vẫn đang cân nhắc về khả năng phát triển một mỏ dầu khổng lồ tiềm năng ngoài khơi gần cửa sông Amazon và bờ biển phía Bắc của đất nước - nơi chủ yếu là rừng nhiệt đới.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: