Thí điểm cấp bản điện tử hộ tịch từ kho dữ liệu dùng chung

Thành Nguyên – Vĩnh Lộc 6/4/2023, 08:00

(HTV) - Từ giữa tháng 6/2022, Thành phố đã thí điểm cấp bản sao trích lục 4 loại sổ hộ tịch bao gồm: sổ đăng ký kết hôn, sổ đăng ký khai sinh, sổ đăng ký khai tử và sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con từ Kho dữ liệu dùng chung Thành phố cho cá nhân.

Theo đó, người dân có thể đến bất cứ phường nào của Thành phố để yêu cầu cấp bản sao trích lục mà không phụ thuộc vào nơi đã đăng ký. Qua gần 10 tháng thực hiện, việc số hóa các dữ liệu góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. 

Hiện đang cư trú tại phường 3, quận 11, TP.HCM nhưng anh Nguyễn Quốc Thắng đã tranh thủ thời gian nghỉ giải lao giữa giờ để đến UBND quận Phú Nhuận thực hiện thủ tục trích lục khai sinh. “Trước đây tôi phải xin nghỉ một ngày làm việc để về nơi cư trú thực hiện các thủ tục hành chính thì nay chỉ mất 30 phút là xong công việc, do không phải quay lại nơi cư trú. Tôi thấy, việc đồng bộ dữ liệu thật sự mang lại sự thuận tiện cho người dân” – anh Quốc Thắng chia sẻ. 

 

Hiện nay, Sở Tư pháp phối hợp UBND TP.Thủ Đức, các quận, huyện hoàn thành giai đoạn 1 đề án Số hóa sổ hộ tịch với 11,7 triệu hồ sơ. Trong đó, hơn 11 triệu hồ sơ đăng ký trước năm 2016 đủ điều kiện chuyển chính thức lên Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp. Song song đó, Sở Tư pháp đã đồng bộ vào hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp hơn 10,7 triệu hồ sơ, đạt 97%.

Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM thông tin: Theo thống kê, từ khi ra mắt hệ thống, Sở đã tiếp nhận hơn 300.00 hồ sơ có nhu cầu. Số liệu này cho thấy nhu cầu của người dân và tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số. “Tháng 11/2022 vừa qua, Sở Tư pháp đã có văn bản đề xuất Bộ Tư pháp triển khai thí cấp bản điện tử giấy tờ hộ tịch từ Dữ liệu số hóa sổ hộ tịch TP.HCM. Bản điện tử có giá trị sử dụng như bản giấy và đặc biệt không thể làm giả giấy tờ khi giao dịch. Dự kiến đến tháng 6/2023, TP.HCM sẽ tiến hành thí điểm nội dung này” – bà Võ Thị Trung Trinh cho biết thêm. 

Qua quá trình triển khai, không thể phủ nhận những thuận lợi mang đến cho người dân; tuy nhiên trên thực tế, nhiều quận, huyện vẫn đối mặt với những bất cập liên quan đến cơ sở hạ tầng, thói quen người dùng cùng sự thiếu đồng bộ giữa các trường dữ liệu khiến việc thực hiện các thủ tục vẫn chưa thể thông suốt. 

Chủ tịch UBND phường 10, quận Tân Bình TP.HCM Trần Thị Huê trăn trở: Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện nay tại phường chỉ mới đáp ứng cơ bản. Để công tác phục vụ hành chính cho người dân được nhanh chóng và thuận tiện hơn thì cần có sự đầu tư nghiêm túc và bài bản, tạo sự đồng bộ, thống nhất, nâng cao hiệu quả hoạt động. 

Công tác cập nhật dữ liệu người dân, hiệu quả tận dụng cơ sở dữ liệu dùng chung chưa cao là một trong những vấn đề mà các đơn vị trên địa bàn TP.HCM gặp phải. “286.000 hồ sơ tại phường 10, quận Phú Nhuận đã được số hóa 100% nhưng vẫn còn gặp một số khó khăn do sự thiếu nhất quán giữa các cơ sở dữ liệu khiến việc tận dụng cơ sở dữ liệu dùng chung của các đơn vị không thật sự tốt” - bà Trần Ngọc Thảo, Chủ tịch UBND phường 10, quận Phú Nhuận, TP.HCM cho biết.

Trong bối cảnh chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, việc từng bước số hóa các loại thủ tục là xu hướng tất yếu góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính. Song song với công tác tuyên truyền để thay đổi thói quen thì các cơ quan hữu quan cũng cần có sự thống nhất việc đồng bộ thông tin dữ liệu, nâng cấp hạ tầng cơ sở để việc khai thác kho dữ liệu dùng chung hiệu quả hơn để sớm hoàn thành được mục tiêu số hóa. 

>>> Xin mời quý vị đón xem những hình ảnh, thông tin chi tiết hơn trong chương trình thời sự của HTV lúc 20h trên HTV9

 

Ý kiến của bạn: