(HTV) - Thể thao điện tử không chỉ là trò chơi giải trí mà còn là một ngành công nghiệp tiềm năng góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Với hơn 35 ngàn lập trình viên dự kiến đến năm 2027, thị trường video game tại Việt Nam sẽ đạt doanh thu hơn 922 triệu USD, trong đó game điện thoại di động chiếm phần lớn.
Hội nghị triển khai quy định pháp luật về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng Internet
Sự phát triển của các công nghệ mới như 5G, Blockchain, điện toán đám mây, A.I.,... đã giúp Việt Nam tăng nhanh số lượng người chơi, tăng doanh thu, lợi nhuận và cơ hội tham gia vào ngành công nghiệp game trực tuyến. Tuy nhiên, nhận thức của đại chúng về lĩnh vực này vẫn còn mơ hồ, nhất là về sự khác biệt giữa thể thao điện tử (eSports) và trò chơi điện tử (game online) khiến không gian phát triển của ngành bị hạn chế.
Game chiến thuật lịch sử Loạn 12 Sứ quân của Công ty Nam Đế
Lấy bối cảnh và chất liệu về Loạn 12 Sứ quân, game chiến thuật lịch sử Loạn 12 Sứ quân của Công ty Nam Đế là sản phẩm tâm huyết của một nhóm bạn trẻ tại TP.HCM. Game dự kiến ra mắt vào năm 2025, tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn khi phải cạnh tranh với các loại game tương tự từ nước ngoài.
Anh Nguyễn Hoài Phương - Người sáng lập Nam Đế Game chia sẻ: "Để tạo ra một sản phẩm game chất lượng cao, chúng tôi cần đầu tư một nguồn lực rất lớn vào nhiều khía cạnh từ nhân sự chuyên môn đến công nghệ hiện đại. Việc này đòi hỏi chi phí không hề nhỏ và kinh nghiệm dày dặn mà Việt Nam chưa có nhiều".
Chị Trần Mỹ Trang - Đại diện quản lý điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng Ways Station cho rằng phần mềm quản lý đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của ngành trò chơi điện tử. “Mặc dù ngành công nghiệp này đang phát triển rất nhanh, nhưng hệ thống phần mềm quản lý vẫn còn nhiều bất cập. Chúng tôi rất mong muốn có những phần mềm quản lý chuyên biệt, xứng tầm với công nghệ hiện đại để giúp chúng tôi quản lý hiệu quả hơn và nâng cao chất lượng dịch vụ”, chị Trang chia sẻ.
TP.HCM hướng tới xây dựng cộng đồng thể thao điện tử lành mạnh và chuyên nghiệp
Theo số liệu công bố tại Hội nghị triển khai quy định pháp luật về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng Internet tại TP.HCM, Thành phố hiện có hàng trăm doanh nghiệp cung cấp hơn 500 trò chơi G1 đã được phê duyệt kịch bản và hàng ngàn trò chơi G1, G2, G3, G4 đang được phát hành trên các kho ứng dụng. Ngành "phần mềm và các trò chơi giải trí" cũng đã được Chính phủ xác định là một trong 13 lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, các quy định hiện hành chủ yếu tập trung vào việc cấp phép và quản lý trò chơi, chưa có nhiều chính sách cụ thể để hỗ trợ sự phát triển toàn diện của ngành.
Ông Mai Bá Hùng - Chủ tịch Liên đoàn Thể thao điện tử TP.HCM
Theo ông Mai Bá Hùng - Chủ tịch Liên đoàn Thể thao điện tử TP.HCM cho biết việc phát triển thể thao điện tử không chỉ dừng lại ở việc thi đấu mà còn cần chú trọng đến giáo dục để xây dựng một cộng đồng lành mạnh. Việc trẻ hóa các môn thể thao sẽ giúp tạo ra thế hệ vận động viên chuyên nghiệp và có trình độ cao.
Nếu được quan tâm phù hợp ngành game và thể thao điện tử sẽ đóng góp xứng đáng vào kinh tế Thành phố, trở thành một phần của kinh tế đêm. Do đó, TP.HCM cần tạo ra một không gian phát triển mới cho ngành game bằng cách thúc đẩy thực thi các chính sách về chuyển đổi số và Nghị quyết 98 của Quốc hội; thử nghiệm những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo và chuỗi khối trong phát triển các tựa game mang tính giáo dục, văn hóa truyền thống, với hành lang pháp lý thông thoáng hơn.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9