Tháo gỡ các rào cản cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

ĐÀO TRƯNG - HẢI SƠN - THU HẢI - THÙY DƯƠNG - GIA KHANG - HƯƠNG GIANG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 17/6/2023, 20:17

(HTV) - Cùng với những kết quả đã đạt được, cũng cần nhìn nhận rằng trình độ khoa học và công nghệ của nước ta có khoảng cách đáng kể so với các nước nhóm đầu khu vực Đông Nam Á và còn tồn tại những hạn chế, rào cản.

Nền kinh tế Việt Nam đã và đang có những chuyển biến tích cực với chiều hướng phát triển theo chiều sâu, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, xuất khẩu thô, lao động nhân công giá rẻ và mở rộng tín dụng, từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia được tăng cường, từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực trong nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, con người Việt Nam và bảo vệ Tổ quốc. 

Tuy nhiên, ngoài kết quả đạt được, chúng ta còn nhiều khiếm khuyết phải nhìn nhận: Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả; Thị trường khoa học và công nghệ phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng; Các kết quả nghiên cứu còn tồn tại thực trạng "đút ngăn kéo"; Mối liên kết giữa nghiên cứu với đào tạo, giữa nghiên cứu với thị trường và doanh nghiệp còn yếu. Tháo gỡ các rào cản, nút thắt cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, là góp phần tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế năm 2023. 

Nỗi khó khăn của nhà nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ là gì?

Khoảng 10 năm trước đây, kinh phí hoạt động khoa học và công nghệ chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước. Đến nay, đầu tư cho khoa học và công nghệ từ ngân sách Nhà nước và từ doanh nghiệp đã tương đối cân bằng với tỷ lệ tương ứng là 52% và 48%. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tiên phong trong đầu tư, ứng dụng khoa học và công nghệ. Nghiên cứu khoa học kỹ thuật và công nghệ đã phát triển lên một tầm cao mới về năng lực và trình độ nghiên cứu, đóng góp ngày càng hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Các công nghệ chủ chốt của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được ứng dụng sâu rộng hơn trong các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, cũng cần nhìn nhận rằng trình độ khoa học và công nghệ của nước ta có khoảng cách đáng kể so với các nước nhóm đầu khu vực Đông Nam Á và còn tồn tại những hạn chế, rào cản cần tiếp tục vượt qua trong giai đoạn tới.

Đại học Quốc gia TP.HCM là nơi tập trung những nhà khoa học hàng đầu của Thành phố, và dĩ nhiên, đội ngũ này cũng đảm nhận những nhiệm vụ trọng yếu trong nghiên cứu khoa học phục vụ cho sự phát triển của Thành phố. 

Giải pháp nào trong việc phát triển công nghệ tại TP.HCM?

Trong chiến lược phát triển, giai đoạn 2021 - 2025, ngành khoa học và công nghệ của TP.HCM tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ nhằm xây dựng thành phố thông minh, phục vụ chương trình chuyển đổi số, cùng với đó là tạo điều kiện thuận lợi để chuyển giao công nghệ từ các trung tâm nghiên cứu sang doanh nghiệp, từ ý tưởng sáng tạo thành sản phẩm và dịch vụ thực tế. Nhưng hiện nay, tiến trình này vẫn còn chậm, nhiều bất cập vẫn còn tồn tại khiến nghiên cứu khoa học khó đạt những kết quả mang tính đột phá.

Có 3 rào cản về cơ chế trong công tác nghiên cứu khoa học hiện nay. Đó là rào cản về cơ chế xét duyệt đề tài, cơ chế triển khai thực hiện và cơ chế thủ tục tài chính. Thủ tướng Chính phủ cũng đã từng yêu cầu các Bộ, ngành làm sao cho đơn giản hóa các thủ tục này, không thể để giấy tờ hành chính mà còn dày hơn cả công trình nghiên cứu. 

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã công bố "Chương trình nghiên cứu và định hướng nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2025". Trong đó, Thành phố sẽ sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập của Thành phố, đầu tư cho các tổ chức khoa học và công nghệ có ưu thế để hình thành các trung tâm nghiên cứu mạnh trong 4 ngành công nghiệp chủ lực theo mô hình tiên tiến của thế giới. 4 ngành công nghiệp trọng yếu của Thành phố bao gồm cơ khí; chế biến lương thực - thực phẩm; hóa chất - nhựa - cao su và ngành điện tử - công nghệ thông tin. Trong quá trình đó, những bài học từ các nước trên thế giới có tương đồng lớn về bối cảnh kinh tế - xã hội cần được tham khảo. Họ đã làm như thế nào để thúc đẩy nghiên cứu khoa học trở thành động lực của phát triển khoa học công nghệ, biến những đột phá trong tư duy hoạch định chính sách thành các bước nhảy vọt của nền kinh tế?

Từ năm 1980, Trung Quốc bắt đầu tiến hành cải cách hệ thống khoa học và công nghệ thông qua quyết định cải cách hệ thống tài chính cho nghiên cứu và phát triển theo cơ chế thị trường. Nhiều hệ thống văn bản pháp luật về khoa học và công nghệ với mục tiêu khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học và công nghệ. Chính phủ từ việc quản lý các dự án nghiên cứu phát triển sang nhiệm vụ đưa ra chiến lược và chính sách chung để phát triển lĩnh vực khoa học và công nghệ toàn đất nước, đồng thời, thực hiện đổi mới chính sách quản lý, cơ chế cấp kinh phí nghiên cứu cho các trường đại học, viện nghiên cứu và các chuyên gia từ doanh nghiệp nhằm thu hút nhiều thành phần trong cả nước tham gia phát triển khoa học và công nghệ, và mở rộng đối tượng được hưởng lợi từ ngân sách nhà nước. 

Năm 1999, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện cải tổ 380 viện nghiên cứu của Chính phủ theo hướng sát nhập vào các doanh nghiệp hoặc chuyển đổi thành doanh nghiệp theo một phần trong chương trình "Hệ thống đổi mới quốc gia (NSI).

Bước sang giai đoạn 2006 - 2030, Trung Quốc đề ra mục tiêu trung và dài hạn về phát triển khoa học và công nghệ: Trở thành một "xã hội định hướng đổi mới" vào năm 2020, và trở thành một nước dẫn đầu thế giới về khoa học và công nghệ vào năm 2050 với hàng loạt chính sách phát triển toàn diện, đa dạng trên nhiều lĩnh vực. Một số chính sách tiêu biểu của giai đoạn này là việc tạo môi trường thuận lợi cho các công ty công nghệ thông qua các chính sách ngân hàng khuyến khích khởi nghiệp; xây dựng và hoàn thiện cơ chế đầu tư mạo hiểm cho các công ty mới khởi nghiệp cũng như khuyến khích thành lập các công ty thông qua việc sửa đổi các quy định, luật và các chính sách liên quan; đồng thời, đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống thị trường vốn, thị trường chứng khoán cấp 2, thị trường trao đổi quyền sở hữu. Chính phủ cũng khuyến khích các cơ quan tài chính cho vay ưu đãi, tăng cường các dịch vụ tài chính phục vụ các công ty công nghệ cao, đặc biệt là các công ty nhỏ nhằm hỗ trợ các dự án công nghiệp hóa công nghệ và ứng dụng các thành tựu công nghệ, tạo môi trường thuận lợi cho các công ty nhỏ tăng vốn và đổi mới công nghệ. 

Singapore là quốc gia có nhiều chính sách hấp dẫn cho thành lập doanh nghiệp. Để thúc đẩy đổi mới và tinh thần kinh doanh, Chính phủ đưa ra một khung chương trình hỗ trợ của Chính phủ cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đa dạng, tiêu biểu là các khuyến khích ưu đãi thuế. Bên cạnh đó là hàng loạt các chương trình tài trợ, đầu tư cổ phiếu bởi các cơ quan, trung tâm, quỹ đầu tư cho nhiều đối tượng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, Chính phủ Singapore cũng rất chú trọng việc phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học và công nghệ như chương trình đào tạo doanh nhân được triển khai trong các trường học từ năm 2000 để nuôi dưỡng tư duy kinh doanh, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ và cộng đồng, các chương trình phát triển vườn ươm (The Incubator Development Programme - IDP) và chương trình ươm tạo công nghệ (The Technology Incubation Scheme - TIS). Singapore đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng về số lượng các nhà khoa học và kỹ sư nghiên cứu Singapore hàng năm, cũng như cơ sở hạ tầng, dịch vụ chuyên môn trong hệ sinh thái khoa học và công nghệ.

Có thể thấy, những nội dung cốt lõi là chú trọng cải thiện chiến lược nhân lực nhằm tạo ra hệ thống mở mang tính cạnh tranh, phát triển nhân lực khoa học và công nghệ trong nước, đồng thời tăng cường thu hút nhân lực có trình độ cao từ nước ngoài. Nếu tham khảo, học tập chương trình "Cường quốc nhân tài" tại Trung Quốc hay chiến lược đào tạo doanh nhân trong các trường học tại Singapore, Việt Nam có thể xây dựng một khung cơ chế tuyển dụng, đánh giá, cải cách công tác quản lý nhân tài cạnh tranh và mang định hướng thị trường. 

 

Ý kiến của bạn: