Thú vị Robot biểu diễn múa rối nước

CHÂU NGỌC - VIỆT TRUNG - MINH ĐỨC // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 13/8/2024, 22:00

(HTV) - Tại Đại học Kinh tế TP.HCM, các bạn sinh viên Viện Công nghệ thông minh và tương tác đã kết hợp đam mê nghệ thuật dân gian với công nghệ và trí tuệ nhân tạo để chế tạo một sản phẩm độc đáo: "Hệ thống múa rối nước tự động".

Sau 3 tháng nghiên cứu và phát triển, sản phẩm này không chỉ là kết quả của sự sáng tạo mà còn là một công cụ tiềm năng trong việc quảng bá nghệ thuật truyền thống đến công chúng một cách sinh động và hiệu quả.

Nghệ thuật múa rối nước vở diễn "Song lân tranh đấu" được robot thực hiện

Hệ thống múa rối nước tự động là một sân khấu múa rối nước mini, được điều khiển hoàn toàn bằng robot thay vì nghệ sĩ thực thụ. Dù mới chỉ là bản thiết kế đầu tiên, các chú robot này có khả năng mô phỏng các kỹ thuật múa rối nước đạt đến 80% so với các nghệ sĩ truyền thống.

Anh Huỳnh Minh Thuận - Sinh viên chuyên ngành Robot và AI tại Viện Công nghệ thông minh và tương tác, trường Đại học Kinh tế TP.HCM chia sẻ: "Mô hình này là vở diễn Song lân tranh đấu, một vở diễn mà tụi em đã xem trên YouTube. Chúng em đã cố gắng học hỏi các chi tiết và chuyển động của con rối. Robot hoạt động dựa trên các động cơ quay, truyền theo thanh truyền và con lắc, với động cơ được đặt hoàn toàn trên nước. Hiện tại, chúng em đang phát triển một mô hình mới lớn hơn gấp 2-3 lần, với hai con rồng, nhiều động cơ hơn, di chuyển mượt mà hơn để người xem có thể trải nghiệm nghệ thuật này một cách chân thật nhất."

Anh Thuận cũng cho biết, việc các nghệ nhân phải trầm mình dưới nước quá lâu có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là các vấn đề về da. Vì vậy, mô hình robot không chỉ là một công cụ hỗ trợ mà còn có thể giảm bớt gánh nặng cho các nghệ nhân, mặc dù nó không thể hoàn toàn thay thế họ.

PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh - Viện trưởng Viện Công nghệ thông minh và tương tác, nhận định: "Đề tài này được đánh giá rất cao vì các bạn đã vận dụng những kiến thức học được trong trường vào một môn nghệ thuật truyền thống. Với những tuồng tích lớn hơn đòi hỏi nhiều kỹ thuật hơn, các bạn cũng đang triển khai các mô hình lớn hơn để ứng dụng trong trường học, khu vui chơi giải trí, nhằm làm cho việc tiếp cận văn hóa truyền thống trở nên gần gũi hơn với người dân."

PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh - Viện trưởng Viện Công nghệ thông minh và tương tác, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM

Với sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và nghệ thuật truyền thống, dự án của các sinh viên không chỉ mang lại một sản phẩm đột phá mà còn mở ra hướng đi mới trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian trong thời đại số hóa.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: