Ra mắt Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam

BÍCH VÂN - THÁI PHƯƠNG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 19/1/2024, 12:26

(HTV) - 300 đại biểu tham dự đại hội Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức đại hội lần thứ 1, nhiệm kì 2024 - 2029.

Ngày 18/01, tại TP.HCM, Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức đại hội lần thứ 1, nhiệm kì 2024 - 2029.

Ông Trần Thiên Long, Ủy viên Ban chấp hành lâm thời Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam phát biểu tại sự kiện

Ông Trần Thiên Long, Ủy viên Ban chấp hành lâm thời Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam, cho biết Liên Chi hội bất động sản công nghiệp Việt Nam là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp của các doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm bất động sản công nghiệp khác trong và ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, logistics.

Ông Long, đánh giá qua 30 năm xây dựng và phát triển, hệ thống bất động sản công nghiệp cả nước đã hình thành: 407 khu công nghiệp (KCN) được thành lập tại 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, (trong đó có 4 khu chế xuất) với tổng diện tích gần 128.684 ha, tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 86.208 ha.

Những đại biểu phát biểu tại đại hội

Bên cạnh các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng KCN, cụm công nghiệp (CCN), còn có hàng ngàn doanh nghiệp đầu tư tạo mặt bằng, xây dựng nhà xưởng cho thuê, kho bãi cho thuê, khu nhà ở công nhân… phục vụ sản xuất công nghiệp.

Theo quy hoạch của các tỉnh, thành phố trên cả nước, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 558 KCN với tổng diện tích đất sử dụng 205.800 ha và 1.500 CCN, với tổng diện tích khoảng 50.000 ha.

KCN đã trở thành những khu vực trọng điểm thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới như Samsung, Intel, Sumitomo, Foxconn, LG, Hyosung, Canon, Robert Bosch, Lego … với nhiều sản phẩm được xuất khẩu ra thị trường toàn cầu, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế của khu vực và thế giới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển KCN, khu kinh tế thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, đó là chất lượng, hiệu quả quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu tầm nhìn tổng thể, dài hạn; vướng giải phóng mặt bằng, cơ sở hạ tầng bên ngoài KCN chưa đảm bảo, đồng bộ; loại hình phát triển chậm được đổi mới theo hướng KCN sinh thái hướng tới bền vững.

Hiệu quả sử dụng đất chưa cao. Tỉ lệ lấp đầy tại một số KCN còn thấp; tình trạng đất hoang hóa, lãng phí nguồn tài nguyên. Đáng chú ý, nhà ở cho công nhân hiện thiếu cơ bản.

Tập thể đại biểu tại đại hội 

Hiện cả nước có 26 khu kinh tế (KKT) cửa khẩu được thành lập ở 21 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biên giới đất liền, với tổng diện tích 766.000 ha.

18 KKT ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước khoảng 871.523 ha.

4 khu công nghệ cao (KCNC) với tổng diện tích 3.834,8 ha, gồm: KCNC Hòa Lạc (1.586 ha), KCNC TP.HCM (913 ha), KCNC Đà Nẵng (1.218 ha) và KCNC công nghệ sinh học Đồng Nai (207,8 ha).

6 Khu công nghệ thông tin tập trung tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ, với tổng diện tích 237,3 ha.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: