Quốc hội thảo luận ở Tổ về 2 dự án Luật

KIM KHÁNH - TIẾN DŨNG // VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN HTV TẠI HÀ NỘI 18/6/2024, 20:27

(HTV) - Trong chiều 18/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về 2 dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu tán thành với việc ban hành Luật nhằm tháo gỡ được những khó khăn gốc rễ trong phát triển công nghiệp dược, đó là tình trạng cấp số đăng ký thuốc trên giấy tờ, tình trạng khối ngoại đang “thôn tính” dần dần các doanh nghiệp dược có chất lượng ở trong nước.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM bày tỏ: “Tôi đề nghị Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có những điều khoản cụ thể quy định nguyên tắc áp dụng ưu tiên cho Luật chuyên ngành trước các luật chung. Do vậy, các vấn đề liên quan đến đầu tư dược phẩm cần được chi phối bởi Luật Dược sau đó mới vận dụng thêm các quy định liên quan đến luật đầu tư. Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu sâu hơn thực trạng của ngành công nghiệp dược Việt Nam, để quy định thêm các điều kiện cần thiết, chi phối cụ thể và sâu hơn vai trò và quyền hạn của các nhà đầu tư nước ngoài đang kinh doanh đa ngành”. 

Đại biểu cũng đề nghị cần bổ sung quy định về dự trữ thuốc hiếm, làm rõ gia hạn đăng ký thuốc; tán thành với đề xuất cấm bán thuốc trên mạng xã hội.

Ông Nguyễn Tri Thức - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM

Ông Nguyễn Tri Thức - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM nhận xét: “Về bán thuốc online, cá nhân tôi không bao giờ ủng hộ. Tôi chia sẻ là ở bệnh viện Chợ Rẫy bệnh nhân chờ lấy thuốc BHYT mỗi ngày tới 5-6.000 người, đông quá thì lúc đó có triển khai phương án bệnh nhân khám xong đi về, bệnh viện ship thuốc tận nhà. Bệnh nhân rất hài lòng. Nhưng mà một tuần sau người ta đổi thuốc hết. Chính những người chuyển thuốc đi người ta đổi thuốc, shipper đổi thuốc”. 

Về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu băn khoăn với một số định nghĩa trong dự thảo như danh lam thắng cảnh gắn với yếu tố công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa, hay định nghĩa về “cổ vật”.

Ông Trương Trọng Nghĩa - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM 

Ông Trương Trọng Nghĩa - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM bày tỏ: “Chúng ta hiểu danh lam thắng cảnh là những cảnh đẹp tự nhiên nên có thể có công trình kiến trúc có thể không, và công trình kiến trúc là công trình nào? Hai là cổ vật chúng ta định nghĩa là 100 năm, tôi chưa hiểu vì sao là 100 mà không phải là 99 năm, tôi đề nghị giải thích 100 có hợp lý không, hay là 80 hay là như thế nào”. 

Đại biểu cũng cho ý kiến về ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong bảo tàng, điều kiện để thành lập bảo tàng ngoài công lập, tiêu chuẩn xếp hạng bảo tàng và một số nội dung khác.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

 

Ý kiến của bạn: