Quảng bá các tác phẩm mỹ thuật chủ đề học tập và làm theo Bác

Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM phối hợp Hội Mỹ thuật TPHCM tổ chức triển lãm các tác phẩm mỹ thuật chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tại Hội Mỹ thuật TPHCM (số 218A đường Pasteur, phường Võ Thị Sáu, Quận 3).

Triển lãm diễn ra ở Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM (từ ngày 15 – 30/11) và trên các nền tảng mạng xã hội của Trung tâm Thông tin triển lãm TPHCM, cùng 21 quận, huyện và TP Thủ Đức (từ ngày 01 đến 30/11).

Triển lãm trưng bày 8 tác phẩm mỹ thuật đạt Giải thưởng Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí chủ để “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trên địa bàn TP, đợt 1 (giai đoạn 2021 – 2023) gồm: 2 giải A, 2 giải B và 4 giải C. Bao gồm:

1.  Tranh màu nước “Những người thuyền chài trong đội tự vệ Lệ Thủy” - tác giả: Bùi Quang Ánh

Đây là bức chân dung thật về những người thuyền chài trong đội tự vệ Lệ Thủy - Quảng Bình. Những người thuyền chài này còn trong đội cận vệ đỏ bảo vệ cơ sở Đảng. Đây là một bức tranh lịch sử (họa sĩ cảm hứng từ bảo tàng lịch sử Quảng Bình) và chuyến đi Quảng Bình do Hội Mỹ Thuật TPHCM tổ chức.

2. Tranh thủy mặc “Tiếng cười dưới tàng cây cổ thụ” - tác giả: Trương Lộ

Tác phẩm này được sáng tác khi tác giả tham gia trại sáng tác do Hội Mỹ thuật TPHCM tổ chức vào năm 2022. Địa điểm được chọn tổ chức tại Tà Nung, một nơi sông núi hữu tình. Tư duy sáng tạo của tác giả Trương Lộ được khai mở. Kết quả, một tác phẩm thủy mặc từ cảm hứng dâng trào đã được thành hình, đó chính là tác phẩm “Tiếng cười dưới tàng cây cổ thụ”.

3. Phù điêu gò nhôm “Ngục tù Côn Đảo” - tác giả: Nguyễn Xuân Tiên

Tác phẩm được thực hiện trong đợt tham gia đi thực tế Trại sáng tác ở Côn Đảo năm 2022. Tác phẩm thể hiện tinh thần đoàn kết, khí phách kiên cường bất khuất của các chiến sĩ cách mạng tại nhà tù Côn Đảo, đồng thời tố cáo chế độ khắc nghiệt, tàn ác, man rợ của nhà tù dưới chế độ Mỹ - Ngụy

4. Tranh Thủy mặc “Cuộc sống” - tác giả: Trần Văn Hải

Tác phẩm “Cuộc sống” được thể hiện với thủ pháp siêu thực, đồng hiện. Tác phẩm ca ngợi tinh thần đoàn kết, vượt khó của các ngư dân vùng ven biển. Những ngư dân phải chống chọi với các đợt sóng to, gió lớn, biển cả mênh mông rộng lớn, so với sự nhỏ bé của con người; nhưng các ngư dân đều vượt qua tất cả những khó khăn đó bằng trí thông minh, lòng dũng cảm, khai thác những sản vật nhằm phục vụ cho đời sống xã hội và phát triển kinh tế.

5. Tranh Lụa “117 năm” - tác giả: Trịnh Hoàng Anh Đức

Cầu Bình Lợi không chỉ là cây cầu lâu đời mà đó còn là nhân chứng của lịch sử đã chứng kiến những cuộc chiến tranh, cuộc đổi mới của đất nước, là người quan sát những thay đổi của đất nước. Tác phẩm “117 năm” được sáng tác dưới góc nhìn của thế hệ trẻ. Không được trải qua các sự kiện lịch sử đó, mà chỉ nghe qua báo, đài, thời sự và những lời kể của người lớn. Thế nên trong tác phẩm có những khoảng mờ, khoảng bị che lấp bởi tấm kim loại ẩn dụ cho việc không hiểu hết quá khứ và lịch sử của đất nước. Đây là một trong những điều đáng tiếc cho một thế hệ có vai trò là tương lai của đất nước. Bởi vì ông cha ta đã từng nói “Dân ta phải biết sử ta”, tác phẩm “117 năm” được sáng tác bằng với những niềm tiếc nuối đó.

6. Tranh Sơn dầu “Phong cảnh đảo Thạnh An – Cần Giờ” - tác giả: Trần Thu Hương

Tác phẩm được sáng tác từ cảm xúc qua những lần thực tế ở đảo Thạnh An. Hình ảnh hòn đảo nhỏ xíu nằm chơi vơi giữa bốn bề biển trời mới thấy thiên nhiên thật kỳ vĩ mà sức sống của con người cũng thật là mãnh liệt. Những cư dân của hòn đảo xinh đẹp này đã kiên cường trụ vững sau bao lần sóng giữ bão giông làm lở đất, nhấn chìm một phần đất đai nhà cửa xuống biển sâu.

7. Tranh lụa “Chắp cánh ước mơ” - tác giả: Nguyễn Thị Đỗ Quyên

Tác phẩm lấy hình tượng một cô bé nhỏ xinh với cặp mắt trong veo, ngây thơ đại diện cho một thế hệ mầm xanh tương lai của thành phố mang tên Bác. Bên cạnh đó là hình ảnh của hoa Bồ Công Anh một loài hoa mang ý nghĩa trong cuộc sống là minh chứng cho ý chí kiên cường, nghị lực vươn lên, chấp nhận mọi khó khăn, thử thách. Với bố cục tranh là 3 tấm tranh ghép mang ý nghĩa tượng trưng cho những khung trời bao la, trong lành được mở ra trên TPHCM dưới những tòa nhà hiện đại song vẫn tươi xanh nhờ những cách hoa Bồ Công Anh tràn ngập thành phố.

8.  Tranh Thủy mặc “Tiêm chủng Covid-19” - tác giả: Lục Hà Kim.

Kêu gọi toàn dân hưởng ứng, thực hiện tốt tiêm chủng nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và xã hội.

Thông qua các tác phẩm mỹ thuật này, góp phần khắc sâu và cổ vũ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho nền tảng đạo đức, nét đẹp văn hóa của Bác lan tỏa, thấm sâu vào tâm hồn mỗi người dân, góp phần xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại thành phố mang tên Bác.

Thành ủy TP.HCM