“Đừng vì những bộn bề của cuộc sống mà đôi khi đánh mất đi cuộc đời con bạn” là thông điệp mà Đội TDTU – Đại học Tôn Đức Thắng chuyển tải trong chương trình “Chuyến xe âm nhạc” mùa 3 qua tiết mục dự thi đặc sắc.
Niềm hạnh phúc của các thí sinh đội TDTU – Đại học Tôn Đức Thắng trong đêm đăng quang Quán quân “Chuyến xe âm nhạc” mùa 3
Đêm Chung kết chương trình “Chuyến xe âm nhạc” mùa 3 với sự tranh tài của 4 đội: MOC (Đại học Khoa học – Xã hội và Nhân văn TP.HCM), CAP (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông), IUH (Đại học Công nghiệp) và TDTU (Đại học Tôn Đức Thắng). Trong đó, tiết mục “Cầu vồng không có sau mưa” của đội TDTU đã chinh phục Ban giám khảo và khán giả.
Chúc mừng đội TDTU đã giành ngôi Quán quân của “Chuyến xe âm nhạc” – mùa 3, các bạn có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi giành chiến thắng này?
Sau chiến thắng nghẹt thở, chúng tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Đó được coi như là “trái ngọt” sau thời gian toàn đội cùng nhau nỗ lực.
Đây là năm thứ mấy các bạn tham gia chương trình này?
Đây là lần thứ 2 TDTU tham gia chương trình. Ở Chuyến xe âm nhạc mùa 2, TDTU đã vào đến Vòng Bán kết.
Tiết mục “Nơi em gặp anh” trong vòng thi Bán kết
Với TDTU, “Chuyến xe âm nhạc” có sức hút như thế nào để các bạn quyết tâm trở lại?
Chuyến xe âm nhạc là một trong số ít chương trình dành cho sinh viên, nói lên những vấn đề trong đời sống xã hội. Những chủ đề được đặt ra đòi hỏi các đội chơi phải tìm hiểu, sáng tạo về cả nội dung và hình thức biểu diễn để truyền tải được thông điệp của mình.
Đây là sân chơi bổ ích dành cho sinh viên, là nơi để các bạn cháy hết mình với niềm đam mê, là dịp để các bạn gặp gỡ, học hỏi lẫn nhau, có thêm những người bạn mới, giúp cho đời sống tinh thần ngày càng phong phú.
Trong “cuộc đua” năm nay, TDTU đã có sự chuẩn bị như thế nào?
Tham gia chương trình với tiêu chí “Vui và học hỏi”, nhưng để cống hiến cho khán giả và Ban giám khảo những phần thi ấn tượng thì TDTU đã cố gắng nâng cao chất lượng và ngày càng tăng số lượng của các thành viên. Theo đó, các bạn phải có khả năng và sẵn sàng đáp ứng với mức độ khó của cuộc thi. Bên cạnh đó, TDTU xây dựng chiến thuật hợp lý và thực hiện một cách bài bản xuyên suốt chương trình.
Các bạn lựa chọn thành viên dựa vào những tiêu chí nào?
Tiêu chí hàng đầu đó chính là đam mê, bởi vì khi ngọn lửa đam mê đủ lớn thì mới có đủ quyết tâm để chinh phục những đỉnh cao. Ngoài ra, yếu tố năng lực cũng được đưa ra để lựa chọn thành viên sao cho phù hợp với từng vòng. Cho dù là những bạn sinh viên kỳ cựu hay chỉ là những bạn sinh viên năm nhất mới vào đội cũng có cơ hội biểu diễn trên sân khấu của Chuyến xe âm nhạc. Vì vậy, có thể thấy đội hình của TDTU được mở rộng từ sinh viên năm nhất đến cả sinh viên năm cuối.
Phần thi liên khúc: “Cò lả - Bèo dạt mây trôi – Người ở đừng về” trong đêm Bán kết
Trong quá trình tham gia chương trình, đội TDTU có gặp khó khăn gì không?
Trong lúc tham gia chương trình, thời tiết nắng nóng nên khi tập, dễ làm các thành viên mất sức và xuống tinh thần. Bên cạnh đó, đây cũng là khoảng thời gian các bạn phải chuẩn bị cho kỳ thi cuối học kỳ nên dù rất muốn, vẫn không thể đảm bảo lịch tập.
Trong Vòng bản lĩnh – đêm Chung kết, TDTU đã mang đến cho khán giả một màn trình diễn ấn tượng với tiết mục “Cầu vồng không có sau mưa”. Các bạn có thể chia sẻ về ý tưởng thực hiện tiết mục này?
Tiết mục là cảm tác từ câu chuyện có thật về bé Nayoung tại Hàn Quốc năm 2008 kết hợp với những thông tin thời sự nóng bỏng diễn ra trong thời gian gần đây về những vụ ấu dâm.
Khi đưa ra thảo luận, các bạn có cho rằng, đây là một đề tài khó?
Thật ra đây là kịch bản dự phòng của TDTU, bởi sau quá trình phê duyệt kịch bản vòng Chung kết, Ban tổ chức đã chấp thuận. Sau đó, TDTU đã gấp rút triển khai xây dựng kịch bản “Cầu vồng không có sau mưa” với nhạc phẩm Ông kẹ + Không giờ (Sáng tác: Trương Phước Lộc – Phạm Trần Phương). Đây là một chủ đề tương đối khó trong cả khâu chọn bài, biên kịch, dàn dựng múa. Tất cả các thành viên trong Đội dàn dựng đã phải họp nhiều lần, cân nhắc và đưa ra nhiều phương án để sao cho vở diễn đưa lên sân khấu không bị phô.
Sau cuộc họp với Ban tổ chức, chủ đề ấu dâm được lưu ý khi thực hiện phải phù hợp và “không khuyến khích” mở rộng. TDTU cũng đã rất trăn trở vì điều này. Tuy nhiên, ngay lúc đó thì thông tin thời sự về những vụ dâm ô nổi lên, điều đó chính là động lực để cả đội cùng quyết tâm thực hiện kịch bản này.
Tiết mục “Ông kẹ + Không giờ” của đêm Chung kết lấy đi nhiều nước mắt của khán giả
Không phải là những nghệ sĩ chuyên nghiệp, nhưng đội TDTU đã thể hiện rất xuất sắc phần thi cuối. Để có 1 tiết mục ấn tượng như vậy, Đội đã tập luyện như thế nào?
Nếu nói TDTU dàn dựng tiết mục này cộng dồn lại thì chỉ vỏn vẹn trong đúng 7 ngày, mọi người có tin không nhỉ? Do đêm Chung kết gần sát với kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 khá dài, cộng với đây là thời gian các bạn chuẩn bị thi cuối học kỳ nên việc tập luyện bị gián đoạn khá nhiều. Thậm chí, hôm duyệt bài lần 1 với đạo diễn Lê Việt, đội còn chưa dựng được gì, rồi đến ngày duyệt lần 2, ba đội hát, múa, kịch vẫn chưa ráp lại được với nhau. Nhưng may mắn, tới phút chót thì mọi thứ lại trọn vẹn. Được như vậy là do mỗi thành viên đều ý thức thực hiện tốt phần việc mình được giao ngay từ đầu.
Qua phần dự thi của mình, TDTU muốn truyền tải thông điệp gì đến khán giả?
Thông điệp TDTU muốn nhắn gửi đến toàn xã hội và nhất là các bậc phụ huynh chính là: “7 năm tù làm sao đổi được cuộc đời con tôi” – câu nói ấy là một hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả mọi người, hãy tin tưởng và bảo vệ những đứa trẻ dù là bé trai hay bé gái trước những vụ ấu dâm đang gây bức xúc trong xã hội. Đừng vì những bộn bề của cuộc sống mà đôi khi đánh mất đi cuộc đời con bạn.
“Cầu vồng không có sau mưa” - hồi chuông cảnh tỉnh trước những vụ ấu dâm đang gây bức xúc trong xã hội
Cũng sau chương trình, Đội TDTU có những mong muốn được đóng góp sức mình trong các chương trình văn hóa nghệ thuật của giới sinh viên nói riêng và trong làng giải trí nói chung?
Dạ chắc chắn rồi, nếu có cơ hội, TDTU sẽ cống hiến hết mình, mang hình ảnh sinh viên sáng tạo, đoàn kết, kỷ luật và tiến bộ đến tất cả mọi người.
Hoàng Quyên