Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán - tiên lượng - điều trị ung thư gan

(HTV) - Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận hơn 25.000 ca mắc ung thư gan - căn bệnh vốn được xem là nan y tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Nhưng một niềm hy vọng đang bắt đầu từ một phòng lab nhỏ tại TP.HCM, nơi các nhà khoa học trẻ đang ứng dụng trí tuệ nhân tạo A.I. để đưa ra hướng điều trị cá thể hóa, tiết kiệm chi phí, và tăng cơ hội sống sót cho người bệnh. Đề tài nhận được tài trợ từ Đại học Quốc gia TP.HCM về cả thiết bị lẫn kinh phí.

Theo Viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ, 43% bệnh nhân ung thư gan có thể sống trên 5 năm nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Nhưng thực tế, đa số bệnh nhân đến bệnh viện khi khối u đã lớn hoặc di căn.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán - tiên lượng - điều trị ung thư gan - Ảnh 1.

Các nhà khoa học trẻ đang ứng dụng trí tuệ nhân tạo A.I. để đưa ra hướng điều trị cá thể hóa, tiết kiệm chi phí, và tăng cơ hội sống sót cho người bệnh

Vì thế nhóm nghiên cứu đặt ra mục tiêu: phát hiện sớm nguy cơ mắc ung thư gan, tiên lượng chính xác diễn tiến bệnh, gợi ý phương pháp điều trị phù hợp, hạn chế đau đớn, tối ưu chi phí.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Nam - Trưởng bộ môn Kỹ thuật y sinh - Khoa Y, Trường Đại học Khoa học Sức khỏe, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, điểm nổi bật đầu tiên của nghiên cứu là việc ứng dụng phân tích dữ liệu lớn (Big Data) để phân tích dữ liệu biểu hiện gen và thông tin lâm sàng của hơn 1600 mẫu liên quan tới ung thư gan từ các cơ sở dữ liệu quốc tế (TCGA, GEO).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Quang Vinh - Trưởng ban Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, áp dụng mô hình đồng tác giả cho các sáng kiến này, nghĩa là một nhóm nghiên cứu sinh sẽ kết hợp cùng một khoa chuyên môn của bệnh viện tuyến đầu để vừa đảm bảo ý tưởng sáng tạo tốt, vừa phải sát thực tế điều trị.

Nền tảng của nghiên cứu là việc phân tích dự liệu gene F12 - một chỉ thị sinh học có liên quan đến khả năng sống sót, phản ứng điều trị và tiên lượng bệnh ung thư gan.

Không dừng lại ở ung thư gan, nhóm nghiên cứu đang đặt mục tiêu phát triển bộ xét nghiệm có khả năng tầm soát nhiều loại ung thư chỉ trong một lần lấy máu - một cuộc cách mạng trong y học chính xác tại Việt Nam.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán - tiên lượng - điều trị ung thư gan - Ảnh 2.

Không dừng lại ở ung thư gan, nhóm nghiên cứu đang đặt mục tiêu phát triển bộ xét nghiệm có khả năng tầm soát nhiều loại ung thư chỉ trong một lần lấy máu

Theo Bác sĩ CK II Nguyễn Khánh Vân - Trưởng khoa Khoa Ngoại gan - mật - tụy, Bệnh viện Thống Nhất, đây được coi là một bước đột phá trong lĩnh vực chẩn đoán, giúp khắc phục hạn chế của các phương pháp truyền thống như AFP. Việc ứng dụng mô hình không chỉ giúp phát hiện bệnh kịp thời mà còn mở ra cơ hội điều trị hiệu quả hơn, từ đó cải thiện đáng kể tỷ lệ sống sót và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Thành công này không chỉ củng cố tiềm năng ứng dụng của mô hình trong lâm sàng mà còn đặt nền móng cho những cải tiến quan trọng trong chẩn đoán và điều trị ung thư gan tại Việt Nam.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9



TRUNG HẬU // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV

Link nội dung: https://htv.com.vn/ung-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-chan-doan-tien-luong-dieu-tri-ung-thu-gan-222250720130545475.htm