Vấn đề này đang thu hút sự quan tâm từ chuyên gia, nhà quản lý và cơ sở giáo dục đại học. Nhiều lãnh đạo trường đại học thành viên cho rằng, việc duy trì hội đồng trường là cần thiết để đảm bảo sự linh hoạt và quyền tự chủ phù hợp với đặc thù từng đơn vị.
"Giữ hay bỏ hội đồng trường hai cấp" là chủ đề của buổi tọa đàm do Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức
Từ năm 2020, Trường ĐH Bách Khoa là trường đầu tiên trong hệ thống ĐH quốc gia tổ chức được Hội đồng trường đúng quy định của Luật Giáo dục đại học 2018. Tuy nhiên với dự thảo đề xuất hiện nay "Các cơ sở giáo dục ĐH thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các trường ĐH thành viên của ĐH quốc gia, ĐH vùng không tổ chức Hội đồng trường" (tại Điều 13) là một vấn đề gây băn khoăn. Bởi điều này sẽ làm suy yếu vai trò của trường thành viên, làm gián đoạn tiến trình tự chủ đã triển khai từ năm 2020, tạo bất bình đẳng giữa các loại trường, nguy cơ mất nguồn nhân lực chất lượng cao".
Theo GS.TS Lê Minh Phương - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM, đại diện các trường đại học cũng cho rằng: việc bãi bỏ Hội đồng Trường không những làm suy giảm quyền tự chủ đại học, mà còn đi ngược lại xu thế hiện đại hóa giáo dục đại học, cả về lý thuyết và thực tiễn quốc tế.
Đại diện các trường đại học cho rằng việc bãi bỏ Hội đồng Trường không những làm suy giảm quyền tự chủ đại học, mà còn đi ngược lại xu thế hiện đại hóa giáo dục đại học
Trên cơ sở thực tiễn, các ý kiến cũng cho rằng: Cần giữ nguyên mô hình hội đồng trường theo Luật Giáo dục đại học 2018 cho tất cả các trường đại học dân sự. Cần có đánh giá tác động độc lập, khảo sát rộng rãi các trường thành viên; đảm bảo rằng mọi điều chỉnh luật đều dựa trên bằng chứng thực tiễn, số liệu khoa học và đánh giá độc lập, không mang tính suy đoán.
QUỲNH GIANG - THÁI PHƯƠNG - TRUNG TÂM TIN TỨC HTV
Link nội dung: https://htv.com.vn/tu-chu-dai-hoc-khong-the-ton-tai-neu-thieu-hoi-dong-truong-222250711102751571.htm