Tính đến nay, sau hơn 10 ngày đưa vào vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, 168 phường, xã, đặc khu hành chính của TP.HCM đã tiếp nhận tổng cộng 84.147 hồ sơ thủ tục hành chính. Trong số này, hơn 19.400 hồ sơ được nộp trực tuyến, hơn 46.700 hồ sơ được thực hiện trực tiếp tại các trung tâm phục vụ hành chính công.
Mô hình chính quyền địa phương hai cấp, 168 phường, xã, đặc khu hành chính của TP.HCM đã tiếp nhận tổng cộng 84.147 hồ sơ thủ tục hành chính
Tại phường Cầu Kiệu – đơn vị mới được thành lập từ việc sáp nhập các phường 1, 2, 7 và một phần phường 15 (quận Phú Nhuận cũ), trung tâm phục vụ hành chính công ghi nhận trên 100 hồ sơ mỗi ngày. Người dân phản ánh thời gian xử lý hồ sơ nhanh, cán bộ hướng dẫn tận tình, nhất là với thủ tục trực tuyến.
Dù đạt nhiều kết quả tích cực ban đầu, nhưng quá trình vận hành cũng bộc lộ 3 nhóm vấn đề chính được TP.HCM chủ động ghi nhận để điều chỉnh.
Theo bà Võ Thị Trung Trinh - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM, nhóm vướng mắc đầu tiên là hạ tầng công nghệ thông tin tại các trụ sở phường, xã, đặc khu chưa đồng đều. Nơi sử dụng lại trụ sở quận, huyện cũ thì hạ tầng đảm bảo, nhưng nhiều nơi khác cần đầu tư bổ sung để đáp ứng vận hành.
Nhóm vấn đề thứ hai liên quan đến nền tảng số của các bộ, ngành trung ương chưa ổn định, khiến một số dịch vụ liên thông như qua VNEID, thủ tục đất đai, đăng ký thuế… đôi khi bị gián đoạn.
Dù đạt nhiều kết quả tích cực ban đầu, nhưng quá trình vận hành cũng bộc lộ 3 nhóm vấn đề chính được TP.HCM chủ động ghi nhận để điều chỉnh
Cuối cùng, chính hệ thống giải quyết TTHC của TP.HCM cũng còn một số khâu chưa liên thông triệt để với hệ thống quốc gia - điều này ảnh hưởng đến tính đồng bộ và trải nghiệm người dùng.
Trước những phản ánh thực tế, TP.HCM đã đề xuất giải pháp cụ thể: Thiết lập tổ công tác tại từng phường, xã, đặc khu, đồng thời yêu cầu các Sở chuyên ngành ban hành hướng dẫn cụ thể để địa phương có căn cứ xử lý thủ tục hành chính đúng quy định.
TP.HCM đã đề xuất giải pháp cụ thể trước những giải pháp thực tế
Ngoài ra, thành phố cũng đẩy mạnh việc tiếp nhận ý kiến người dân, doanh nghiệp thông qua các kênh: VNEID, Ứng dụng Công dân số TP.HCM, và Tổng đài 1022. Mọi đánh giá, góp ý, phản ánh đều được sử dụng làm căn cứ thực tiễn để cải thiện quy trình, nâng chất phục vụ.
Người dân, doanh nghiệp có thể gửi đánh giá, kiến nghị và phản ánh qua Tổng đài 1022
Hướng tới một bộ máy hành chính hiện đại và hiệu quả hơn
Việc triển khai mô hình chính quyền hai cấp là bước đi quan trọng trong cải cách hành chính của TP.HCM. Dù còn nhiều thử thách, song sự chủ động lắng nghe, ghi nhận và cải thiện từng khâu đã cho thấy quyết tâm xây dựng một bộ máy hành chính gần dân - vì dân - phục vụ chuyên nghiệp.
Sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp trong vai trò người sử dụng dịch vụ - không chỉ là phản ánh, mà còn là góp ý xây dựng - sẽ giúp TP.HCM hoàn thiện mô hình hiệu quả hơn, hướng tới một đô thị thông minh và bền vững trong tương lai gần.
NGỌC QUÍ - TẤN LỘC - QUỐC SỬ - THIỆN PHÚC // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV
Link nội dung: https://htv.com.vn/tphcm-tiep-tuc-hoan-thien-mo-hinh-chinh-quyen-hai-cap-ghi-nhan-y-kien-nang-chat-phuc-vu-22225071410504329.htm