TP.HCM quyết liệt triển khai đề án chuyển đổi xe điện: Xanh hóa giao thông, vì sức khỏe cộng đồng

(HTV) - Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và giảm phát thải, TP.HCM đang từng bước hiện thực hóa đề án chuyển đổi toàn bộ xe xăng sang xe điện cho lực lượng tài xế công nghệ, mở ra lộ trình xanh hóa giao thông với kỳ vọng nâng cao chất lượng sống cho người dân.

TP.HCM đang bước vào một giai đoạn quan trọng trong hành trình hướng tới phát triển bền vững, khi mới đây thành phố đã công bố đề án chuyển đổi phương tiện giao thông cá nhân từ xăng sang điện, với mục tiêu rõ ràng: đến năm 2029, toàn bộ xe hai bánh của lực lượng shipper và tài xế công nghệ sẽ sử dụng năng lượng điện, góp phần giảm hoàn toàn lượng khí thải gây ô nhiễm và khí nhà kính từ nhóm phương tiện này. Nếu đề án được thông qua, thời gian áp dụng chính thức dự kiến bắt đầu từ ngày 1/1/2026.

TP.HCM quyết liệt triển khai đề án chuyển đổi xe điện: Xanh hóa giao thông, vì sức khỏe cộng đồng- Ảnh 1.

Chuyển đổi xanh – Hành trình bắt đầu từ những bánh xe đầu tiên trên đường phố đô thị.

Theo đề án, khoảng 400.000 tài xế công nghệ và shipper đang hoạt động trên địa bàn thành phố sẽ thực hiện chuyển đổi phương tiện theo từng giai đoạn. Đây là một chủ trương lớn mang tính cấp thiết, tuy nhiên cũng đặt ra nhiều thách thức thực tế, đặc biệt là đối với người trong cuộc – những người sẽ trực tiếp chịu tác động về chi phí, hạ tầng và chính sách hỗ trợ.

Tiếng nói từ người trong cuộc: Đồng thuận nhưng nhiều trăn trở

TP.HCM quyết liệt triển khai đề án chuyển đổi xe điện: Xanh hóa giao thông, vì sức khỏe cộng đồng- Ảnh 2.

Người dân, doanh nghiệp và chính quyền cùng chung tay hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải.

Ông Lâm Thành Dũng – tài xế xe công nghệ với gần 10 năm kinh nghiệm bày tỏ sự ủng hộ việc chuyển sang xe điện, nhưng cũng thẳng thắn chia sẻ nỗi lo: "Việc xanh hóa là đương nhiên và là xu thế, nhưng tôi cũng có nhiều mối lo. Xe xăng hết nhiên liệu thì có thể đẩy vào cây xăng gần nhất, còn xe điện thiếu trạm sạc. Hơn nữa, xe điện hiện nay mẫu mã nhiều, mỗi hãng một đầu sạc, vậy thì rất bất tiện cho người sử dụng."

Tương tự, anh Nguyễn Thành Vũ – tài xế xe ôm công nghệ cũng lo ngại về độ an toàn khi sử dụng xe điện: "Nếu mà đổi qua xe điện thì hy vọng có thêm bảo hiểm cháy nổ cho shipper, nếu không thì tôi chuyển nghề làm việc khác."

Anh Nguyễn Võ Hoàng Hiếu, tài xế thời vụ, thì đặt vấn đề về chi phí: "Em chạy thời vụ để kiếm thêm, nếu bắt buộc đổi xe điện mà không có chính sách hỗ trợ thì chắc em đổi nghề vì chi phí lớn quá."

TP.HCM quyết liệt triển khai đề án chuyển đổi xe điện: Xanh hóa giao thông, vì sức khỏe cộng đồng- Ảnh 3.

Xe điện dần hiện diện nhiều hơn trên các cung đường TP.HCM – tín hiệu của một tương lai giao thông bền vững.

Lý do chọn nhóm tài xế công nghệ đi đầu trong lộ trình chuyển đổi

Theo Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế (Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM), việc lựa chọn nhóm tài xế công nghệ và shipper làm đối tượng chuyển đổi đầu tiên là có cơ sở. Trung bình, một tài xế công nghệ di chuyển từ 80 – 120km/ngày, cao gấp 3 – 4 lần người sử dụng phương tiện cá nhân thông thường. Với tần suất hoạt động cao như vậy, việc chuyển sang xe điện ở nhóm này sẽ góp phần đáng kể vào mục tiêu giảm phát thải toàn thành phố.

TP.HCM quyết liệt triển khai đề án chuyển đổi xe điện: Xanh hóa giao thông, vì sức khỏe cộng đồng- Ảnh 4.

Từ chủ trương đến hành động – thành phố đang chuyển mình từng ngày vì môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Hạ tầng và chính sách – yếu tố quyết định thành công

Ông Ngô Hải Đường – Trưởng phòng Quản lý Vận tải Đường bộ, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, thành phố đã triển khai thí điểm xe buýt điện từ tháng 5, và sẽ tăng cường thêm nhiều chuyến trong tháng 8 tới. "Lộ trình là đến năm 2023 toàn thành phố sử dụng xe buýt điện. Trong đề án, chúng tôi cũng đã xây dựng các chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư vào hệ thống trạm sạc."

Thạc sĩ Lê Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế cho biết thêm: "Chúng tôi kiến nghị hỗ trợ trong 2 năm đầu, sau đó giảm dần. Đến năm 2029 sẽ chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng xe xăng cho nhóm tài xế giao hàng. Ngoài ra, đề xuất hỗ trợ từ 8 đến 10 triệu đồng sẽ được triển khai cho các trường hợp đặc biệt khó khăn, với quy mô khoảng 10.000 xe."

TP.HCM quyết liệt triển khai đề án chuyển đổi xe điện: Xanh hóa giao thông, vì sức khỏe cộng đồng- Ảnh 5.

Chuyển đổi phương tiện – khởi đầu cho thay đổi lớn hơn

Theo các chuyên gia, chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện không chỉ là bài toán kỹ thuật – mà còn là bước đi quan trọng nhằm thúc đẩy mô hình giao thông đô thị thông minh, xanh và bền vững. Việc giảm dần phương tiện cá nhân, tăng cường giao thông công cộng sử dụng năng lượng sạch chính là định hướng cần thiết cho tương lai.

TP.HCM quyết liệt triển khai đề án chuyển đổi xe điện: Xanh hóa giao thông, vì sức khỏe cộng đồng- Ảnh 6.

Trạm sạc, hạ tầng và chính sách hỗ trợ – mắt xích quan trọng trong lộ trình chuyển đổi phương tiện.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

THÀNH NGUYÊN - HỒ ĐỨC - TRÚC QUỲNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV

Link nội dung: https://htv.com.vn/tphcm-quyet-liet-trien-khai-de-an-chuyen-doi-xe-dien-xanh-hoa-giao-thong-vi-suc-khoe-cong-dong-222250727151349975.htm