Việc chú trọng phát triển chương trình OCOP giúp bảo tồn giá trị sản vật đặc trưng của địa phương
Tại TP.HCM, chương trình Mỗi xã một sản phẩm, hay còn gọi là chương trình OCOP bắt đầu triển khai từ năm 2019. Sau gần 6 năm, Thành phố có gần 300 sản phẩm. Trên tinh thần này, trong năm 2025, UBND TP.HCM cũng giao chỉ tiêu cho TP.Thủ Đức và các quận đăng ký ít nhất từ 3 - 4 sản phẩm/quận được công nhận sản phẩm OCOP. Thành phố khuyến khích mỗi quận, TP.Thủ Đức có ít nhất 1 sản phẩm đạt OCOP 4 sao.
Việc chú trọng phát triển chương trình OCOP không chỉ giúp thúc đẩy nền kinh tế mà còn bảo tồn những giá trị sản vật đặc trưng của địa phương. Một ví dụ điển hình là từ trái dừa nước, ngay tại TP.HCM, người dân đã sáng tạo ra những sản phẩm có giá trị cao hơn như mật dừa nước và đường dừa nước. Những sản phẩm này đã được TP.HCM xét duyệt đạt OCOP 4 sao, chứng nhận chất lượng và giá trị của chúng.
Ông Phan Minh Tiến - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Dừa Nước Việt Nam (Vietnipa), cho biết: "Công ty hiện đang có hai dòng sản phẩm đạt OCOP 4 sao, đó là mật dừa nước và mật dừa nước cô đặc. Việc đạt chứng nhận OCOP giúp sản phẩm dễ dàng tiếp cận hệ thống siêu thị. Sắp tới, công ty sẽ xét duyệt thêm sản phẩm đường dừa nước và nâng cấp hồ sơ để đạt chứng nhận OCOP 5 sao. Việc khai thác cây dừa nước giúp giá trị sản phẩm tăng lên gấp 10 lần so với trước, tạo thu nhập cho bà con tăng gấp 3-5 lần và bảo tồn cây dừa nước.
Sản phẩm Mật dừa nước cô đặc đạt chứng nhận OCOP
Trong giai đoạn 2021-2025, chương trình OCOP tại TP.HCM sẽ mở rộng phạm vi ra tất cả các quận và TP.Thủ Đức, thay vì chỉ tập trung vào 5 huyện ngoại thành như trước. Tại huyện Nhà Bè, các sản phẩm như thủy sản chế biến và bánh tráng đã được công nhận là sản phẩm OCOP. Điều này không chỉ giúp xây dựng thương hiệu riêng cho huyện mà còn tạo cơ hội việc làm cho hàng trăm lao động địa phương."
Triển lãm chương trình OCOP hàng năm
Ông Nguyễn Phú Cường, Giám đốc Công ty CP Chế biến Thực phẩm Robis, chia sẻ rằng: "Việc đạt chứng nhận OCOP giúp người tiêu dùng tin tưởng vào sản phẩm. Hiện công ty đang có kế hoạch nâng cấp sản phẩm đạt OCOP 3 sao lên OCOP 4 sao. Công ty cũng ưu tiên tuyển dụng nhân viên là người dân địa phương tại Nhà Bè.
Ông Nguyễn Tấn Đức - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Thủy sản Vạn Phúc, cho biết: "Công ty đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao tại huyện Nhà Bè vào năm 2024 với 12 sản phẩm. Việc đạt chứng nhận này giúp công ty không chỉ quảng bá thương hiệu tại huyện mà còn mở rộng ra các tỉnh thành khác. Công ty cũng sử dụng nguyên liệu và công nhân địa phương, đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương."
Ngoài ra, hàng năm, các hội chợ và triển lãm sản phẩm OCOP được tổ chức để kết nối các sản phẩm với người tiêu dùng, giúp các chủ thể có thêm kênh tiêu thụ. Chị Lê Thị Tuyết Vân, đại diện Công ty CP Trang trại Trực tuyến tại huyện Hóc Môn, cho biết các hoạt động xúc tiến thương mại đã giúp chia sẻ sản phẩm đến nhiều khách hàng và tạo cơ hội trải nghiệm sản phẩm với giá ưu đãi.
VŨ TUYÊN - XUÂN HẠO - TRÚC QUỲNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV
Link nội dung: https://htv.com.vn/tphcm-nang-tam-san-pham-ocop-huong-den-thi-truong-quoc-te-222134453.htm