TP.HCM đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái năng lượng xanh

(HTV) - TP.HCM hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, trong đó phát triển năng lượng tái tạo và đặc biệt là hydrogen xanh là những trụ cột để xây dựng hệ sinh thái năng lượng bền vững.

Cuộc đua hướng tới nền kinh tế carbon thấp đang trở thành xu thế tất yếu. TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm 15% tổng công suất hệ thống. Chiến lược này vừa đảm bảo an ninh năng lượng cho thành phố, vừa là bước đi then chốt để thực hiện cam kết quốc gia về đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

TP.HCM đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái năng lượng xanh- Ảnh 1.

TP.HCM đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái năng lượng xanh- Ảnh 2.

Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM nghiên cứu mô hình điện mặt trời áp mái và các chế phẩm sinh học nhằm giảm ô nhiễm môi trường

Tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, mô hình điện mặt trời áp mái đang giúp tiết kiệm chi phí điện năng và hỗ trợ quá trình nghiên cứu. Ngoài ra, Trung tâm còn nghiên cứu và ứng dụng các chế phẩm sinh học nhằm giảm ô nhiễm môi trường và thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn. Đây là bước đi góp phần thực hiện mục tiêu Net Zero mà Khu Công nghệ cao TP.HCM đang hướng tới.

TP.HCM đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái năng lượng xanh- Ảnh 3.

Hội thảo Phát triển hệ sinh thái công nghệ năng lượng xanh

Trong hội thảo Phát triển hệ sinh thái công nghệ năng lượng xanh do Khu Công nghệ cao TP.HCM chỉ đạo thực hiện, các chuyên gia đánh giá hydrogen xanh là giải pháp năng lượng tiềm năng thay thế nhiên liệu hóa thạch. TP.HCM hiện nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước về phát triển lĩnh vực này.

TP.HCM đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái năng lượng xanh- Ảnh 4.

Bà Nguyễn Phương Thảo - Cố vấn năng lượng, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ

Bà Nguyễn Phương Thảo - Cố vấn năng lượng, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ chia sẻ: " Tổ chức hợp tác quốc tế Đức đang có dự án xanh cho Việt Nam, hợp tác công tư, kết nối các bên liên quan trong ngành năng lượng để phát triển chương trình hydrogen tại Việt Nam. Dự án này kết nối các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, đơn vị nghiên cứu và các cơ quan để đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ và tối ưu chi phí đầu tư cho doanh nghiệp trong lĩnh vực hydrogen toàn cầu".

Hydrogen xanh hiện vẫn là lĩnh vực còn khá mới tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam đang đi trước nhiều quốc gia khi đã ban hành chiến lược phát triển hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để hiện thực hóa chiến lược này, cần thêm thời gian và nguồn lực. Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đang đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam trong việc nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ từ các công ty hàng đầu của Đức, nhằm tối ưu chi phí và triển khai các dự án hydrogen hiệu quả trong thời gian tới.

TP.HCM đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái năng lượng xanh- Ảnh 5.

PGS.TS Phạm Trần Vũ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM

Nhấn mạnh vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao, PGS.TS Phạm Trần Vũ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM chia sẻ: "Năm 2025, trường sẽ triển khai chương trình đào tạo, giảng hoàn toàn bằng tiếng anh, để đáp ứng nhu cầu về phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam. Về nghiên cứu, trướng đầu tư phòng thí nghiệm năng lượng sản xuất xanh, trong đó tập trung nhiều về hydro và các giải pháp về năng lượng tái tạo. Các vấn đề liên quan sản xuất hydro cũng được các khoa chuyên môn của trường triển khai từ lâu".

TP.HCM đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái năng lượng xanh- Ảnh 6.

PGS.TS Lê Quốc Cường - Phó Trường ban quản lý Khu Công nghiệp cao TP.HCM

Về phía quản lý nhà nước, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM đang hoàn thiện đề án chuyển đổi kép, trong đó tập trung vào chuyển đổi năng lượng. PGS.TS Lê Quốc Cường – Phó Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM cho biết: "Chúng tôi đang hoàn tất dự thảo của đề án này để trình UB. Trong đề án sẽ có nhiều giải pháp về cơ chế cụ thể để kết nối doanh nghiệp với các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp để lập phương án khả thi, khảo sát các nhu cầu của doanh nghiệp, giới thiệu các sản phẩm để doanh nghiệp có thể đăng ký nhu cầu và lên kế hoạch để hỗ trợ và thu hút các dự án ươm tạo trong nghiên cứu năng lượng tái tạo, để doanh nghiệp Việt Nam làm chủ công nghệ, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và xây dựng hạ tầng hỗ trợ".

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng chú trọng đến các tiêu chí xanh, việc phát triển hệ sinh thái năng lượng sạch không chỉ giúp TP.HCM đảm bảo năng lượng sạch, mà còn tạo nền tảng thu hút đầu tư FDI chất lượng cao, đặc biệt ở các lĩnh vực công nghệ cao như vi mạch, bán dẫn và công nghệ sinh học.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

VŨ TUYÊN - XUÂN HẠO - MINH THUẬN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV

Link nội dung: https://htv.com.vn/tphcm-day-manh-phat-trien-he-sinh-thai-nang-luong-xanh-222250711165007943.htm