Theo chuyên gia, TP.HCM mới với không gian rộng lớn đã mở ra dư địa để trở thành vùng kinh tế siêu đô thị, liên kết vùng mạnh mẽ, phát triển logistic, công nghiệp công nghệ cao và tài chính quốc tế. Đồng thời mang đến sự lựa chọn đa dạng cho các nhà đầu tư.
Nếu TP.HCM là trung tâm tài chính, dịch vụ và đổi mới sáng tạo thì Bình Dương đóng vai trò là động lực phát triển công nghiệp hiện đại. Bà Rịa - Vũng Tàu là cửa ngõ logistics quốc tế với hệ thống cảng nước sâu và phát triển du lịch biển. Sự hội tụ đặc biệt này mang đến một lực hút cực mạnh cho thỏi nam châm mang tên TP.HCM trong thời gian tới.
TP.HCM có 66 Khu chế xuất, Khu Công nghiệp, tổng diện tích đất hơn 27.000 hecta, mục tiêu thu hút đầu tư từ 20 đến 21 tỷ đô la Mỹ giai đoạn 2025 - 2030
Ông Huỳnh Bảo Đức - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước cho biết, đối với KCN Hiệp Phước có 3 cảng nội khu lớn phục vụ các nhà Đầu tư luân chuyển xuất khẩu hàng hóa, có luật đất đai mới, nỗ lực của UBND TP.HCM, KCN Hiệp Phước được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, là điều kiện tiên quyết để thu hút đầu tư trong thời gian tới.
Theo ông Lê Trọng Hiếu - Giám đốc cấp cao, Trưởng bộ phận BĐS công nghiệp và dịch vụ logistics CBRE Việt Nam, chính sách giá vừa qua khá cao, từ 200 đến 260 USD/m2 , so sánh với những thị trường khác khá cao, có thêm Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu thì nhà đầu tư đến TP.HCM mở rộng, có thêm nhiều sự lựa chọn về giá thuê cạnh tranh hơn, ở khu vực TP.HCM Bà Rịa Vũng Tàu chẳng hạn, hoặc cao hơn một chút là Bình Dương và Bắc Binh Dương, nếu ở ngay trung tâm tại TP.HCM rõ ràng về pháp lý, gần cảng thì khu Công nghiệp Hiệp Phước, đó là những lợi thế của TP.HCM.
Quy mô và tiềm năng hiện có đủ đặt TP.HCM lên vị thế cạnh tranh với các đô thị lớn như Bangkok của Thái Lan hay Jakarta, Indonesia. Song điều này đòi hỏi TP.HCM phải có những hoạch định mới và nhanh chóng giải quyết những bài toán hiện hữu nhằm thu hút hiệu quả nguồn vốn FDI như kì vọng.
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, cơ chế thông thoáng, đồng bộ của cả 3 địa phương giờ đây đã sáp nhập là vô cùng quan trọng, là yếu tố thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Đó là những kỳ vọng ghi nhận được trong quá trình tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu về TP.HCM hiện nay.
Quy mô và tiềm năng hiện có đủ đặt TP.HCM lên vị thế cạnh tranh với các đô thị lớn như Bangkok của Thái Lan hay Jakarta, Indonesia
Theo Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên cao cấp, Đại học Kinh tế TP.HCM, bài toán hạ tầng là điều mà TP.HCM phải giải nhanh chóng để tận dụng lợi thế từ cụm công nghiệp Bình Dương cũ và cảng biển của Bà Rịa - Vũng Tàu cũ. Quy hoạch hạ tầng giờ đây phải tính trên một thể thống nhất.
Cũng theo các chuyên gia, tạo lợi thế thu hút nguồn lực FDI phải luôn đặt trên tinh thần kiến tạo "động năng mới, tiềm năng mới, không gian phát triển mới" như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm đối với siêu đô thị TP.HCM hiện nay.
NGỌC QUÍ - THANH TÂN - MINH KHÔI - XUÂN HẠO - MINH THUẬN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV
Link nội dung: https://htv.com.vn/tphcm-dau-tau-kinh-te-voi-su-menh-dan-dau-thu-hut-dau-tu-truc-tiep-nuoc-ngoai-fdi-22225072012124577.htm