TP.HCM: Cần xử lý trùng tên đường sau sáp nhập

(HTV) - TP.HCM đang phải đối mặt với thách thức lớn sau khi sáp nhập địa giới: hàng loạt tên đường trùng lặp, gây bất tiện cho người dân và ảnh hưởng đến quản lý đô thị.

Mỗi tên đường không chỉ là một địa chỉ đơn thuần mà còn là một phần ký ức đô thị, gắn liền với sinh hoạt, giao tiếp và cả bản sắc cộng đồng. Tuy nhiên, sau sáp nhập địa giới hành chính, đặc biệt tại các khu vực mới, tình trạng trùng tên đường đã trở nên phổ biến, thậm chí ngay trong cùng một phường.

Điển hình là tại phường An Lạc (nay đã sáp nhập), phóng viên đã ghi nhận thực tế có hai con đường 2b: một thuộc phường An Lạc cũ và một thuộc phường An Lạc A cũ. Giờ đây, cả hai đều nằm trong phường An Lạc mới. Tương tự, nhiều tuyến đường số 1, 2, 3… cũng lặp lại, tạo ra một "ma trận" gây không ít nhầm lẫn và bất tiện cho người dân và công tác quản lý.

TP.HCM: Cần xử lý trùng tên đường sau sáp nhập- Ảnh 1.

TP.HCM mở rộng địa giới, bài toán trùng tên đường ngày càng nan giải, ảnh hưởng đến đời sống người dân

Những người trực tiếp chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất chính là lực lượng giao hàng. Anh Lý Chính Quang, tài xế giao hàng trong khu vực phường An Lạc, chia sẻ: "Nhiều khi dò trên bản đồ rồi mà vẫn nhầm tại nó chung một phường, phải gọi cho người nhận hoài để hỏi địa chỉ, vừa phiền người ta mà mình cũng thấy phiền". Anh Nguyễn Văn Hoàng đồng tình: "Khu vực này toàn đường số mà còn trùng nữa, giao hàng ở đây khó lắm, chạy tới chạy lui kiếm đường rất mất thời gian".

Ngay cả người dân địa phương như anh Nguyễn Phương Hải (phường An Lạc) cũng không khỏi bối rối: "Ngay khu này đã có tới mấy đường số 1, đây cũng có, ngay ngã tư đầu kia cũng có, khu vực bến xe miền Tây trước này cũng có, ngày nào cũng có người nhầm đường hỏi đường".

TP.HCM: Cần xử lý trùng tên đường sau sáp nhập- Ảnh 2.

Tài xế giao hàng bối rối trước "ma trận" tên đường trùng lặp, tốn thời gian và công sức

Theo các chuyên gia, tình trạng trùng tên đường không chỉ gây phiền hà trong sinh hoạt mà còn làm suy yếu năng lực điều hành của một siêu đô thị. Với dân số lên tới hơn 14 triệu người và diện tích hơn 6.700 km², việc xác định chính xác hệ thống địa chỉ là nền tảng cho quản lý đô thị, logistic, cấp cứu và cơ sở dữ liệu dân số.

TP.HCM: Cần xử lý trùng tên đường sau sáp nhập- Ảnh 3.

Việc trùng tên đường gây cản trở cho công tác quản lý hành chính và các dịch vụ thiết yếu của đô thị

Đối với các đường có tên số thì nên đổi tên hoặc có biển phụ để tránh sự trùng lặp gây khó khăn cho người dân.
PGS TS Hà Minh Hồng - Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM

Trong khi đó, TS Trương Hoàng Trương - Khoa Đô thị học, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM, gợi ý: "Bổ sung quy định quản lý tên đường trùng, số hóa và quản lý quỹ tên đường bằng hệ thống thông tin địa lý GIS".

TP.HCM: Cần xử lý trùng tên đường sau sáp nhập- Ảnh 4.

TP.HCM cần sớm xây dựng hệ thống tên đường đồng bộ để đảm bảo trật tự và thuận tiện cho người dân

Giải quyết bài toán trùng tên đường không chỉ là câu chuyện đặt lại tên, mà còn là thách thức trong xây dựng đô thị thông minh, hiện đại và hiệu quả. Nó đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, sự đồng thuận của người dân và những bước đi cẩn trọng, bài bản để tránh những xáo trộn không cần thiết. Ngành chức năng TP.HCM khẳng định cần sớm "xây dựng hệ thống tên đường đồng bộ" để đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân và nâng cao hiệu quả quản lý đô thị.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9


LY LY - HỮU TRÍ - THIỆN TÙNG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV

Link nội dung: https://htv.com.vn/tphcm-can-xu-ly-trung-ten-duong-sau-sap-nhap-222250715130038881.htm