Rác thải không chỉ là vấn đề môi trường mà đã trở thành một bài toán quản lý đô thị phức tạp liên quan đến hạ tầng, ngân sách và cả hành vi xã hội. Tại TP.HCM chi hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm để thu gom và xử lý rác nhưng nếu không có giải pháp bền vững thì chi phí sẽ không ngừng tăng còn môi trường thì ngày một tổn thương. Điều này cho thấy đã đến lúc cần một hướng đi bền vững và chủ động hơn.
Mô hình "Ngôi nhà thu gom rác tái chế đổi cây giống" được nhiều người dân thu gom rác và đến đổi
Từ những chiếc chai nhựa, thùng giấy cũ, người dân có thể đổi được những vật dụng hữu ích. Mô hình đổi rác lấy quà nhiều năm qua đã âm thầm lan tỏa trong đời sống người dân TP.HCM. Theo thống kê, chỉ riêng một chương trình kéo dài 3 tháng tại TP.HCM đã thu gom được hơn 12 tấn rác tái chế, giúp giảm phát thải tương đương 14,5 tấn CO₂ ra môi trường.
Không dừng lại ở hành vi, rác thải tái chế, đặc biệt là nhựa PET, còn là nguồn nguyên liệu quan trọng trong sản xuất, những vỏ chai nhựa đã qua sử dụng được xử lý, kéo sợi và dệt thành vải làm nguyên liệu để sản xuất áo quần, túi xách. Điều này mở ra hướng đi cho kinh tế tuần hoàn, nơi rác trở thành tài nguyên.
Bà Nguyễn Phương Trúc - Công ty thời trang từ vật liệu tái chế REPEET
Bà Nguyễn Phương Trúc - Công ty thời trang từ vật liệu tái chế REPEET chia sẻ: "Hiện tại đơn vị đa số là cung cấp vải tái chế cho các doanh nghiệp may mặc, tuy nhiên hị trường còn non trẻ nên mong muốn nhận được thêm sự hỗ trợ, kết nối từ nhà nước để phát triển thêm về mô hình này trong tương lai".
Các chuyên gia khuyến nghị nếu nâng tỷ lệ tái chế rác sinh hoạt lên 40% trong 10 năm tới, Việt Nam có thể tiết kiệm hàng tỷ USD chi phí xử lý mỗi năm. Tuy nhiên, cần có hạ tầng đồng bộ và cơ chế khuyến khích rõ ràng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hùng Anh - Phó Chủ tịch, Trưởng Văn phòng đại diện Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tại TP.HCM
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hùng Anh - Phó Chủ tịch, Trưởng Văn phòng đại diện Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tại TP.HCM khẳng định: "Dù có ra luật nhưng áp dụng chưa nghiêm, muốn người dân thực hiện được thì khâu thu gom cũng phải phân loại tốt, song song đó cần có chế độ có phạt có thưởng để người dân tham gia. NN cũng nên hỗ trợ các doanh nghiệp xanh về thuế, pháp lý, truyền thông để các mô hình tái chế được nhân rộng".
Giải bài toán rác thải đô thị không thể dựa vào chiến dịch ngắn hạn. Một hệ thống bền vững cần sự tham gia đồng bộ từ người dân, doanh nghiệp và nhà nước – nơi mà rác không còn là gánh nặng mà trở thành nguồn lực mới cho phát triển kinh tế đô thị.
LY LY - THÁI PHƯƠNG - TẤN LỘC - THÀNH NGHĨA // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV
Link nội dung: https://htv.com.vn/tim-huong-di-ben-vung-cho-rac-thai-222250707104947359.htm