Giá vàng trong nước hôm nay
Các thương hiệu DOJI, SJC, PNJ, Bảo Tín Minh Châu đồng loạt niêm yết giá vàng miếng ở mức 118,5 – 120,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 400.000 đồng/lượng ở cả hai chiều.
Riêng Phú Quý SJC mua vào thấp hơn 700.000 đồng/lượng so với các thương hiệu vàng khác, niêm yết ở mức 117,8 triệu đồng/lượng mua vào và 120,5 triệu đồng/lượng bán ra (giảm 400.000 đồng/lượng).
Vàng Bảo Tín Mạnh Hải mua vào giá cao hơn và bán ra giá thấp hơn 100.000 đồng/lượng so với các thương hiệu vàng khác, niêm yết ở mức 118,6 – 120,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), ổn định so với hôm qua.
Giá vàng miếng trong nước cập nhật lúc 5 giờ sáng 8/7 như sau:
Vàng | Khu vực | Rạng sáng 7/7 | Rạng sáng 8/7 | Chênh lệch | ||||||
Mua vào | Bán ra | Mua vào | Bán ra | Mua vào | Bán ra | |||||
Đơn vị tính: Triệu đồng/lượng | Đơn vị tính: Nghìn đồng/lượng | |||||||||
DOJI | Hà Nội | 118,9 | 120,9 | 118,5 | 120,5 | -400 | -400 | |||
TP Hồ Chí Minh | 118,9 | 120,9 | 118,5 | 120,5 | -400 | -400 | ||||
SJC | TP Hồ Chí Minh | 118,9 | 120,9 | 118,5 | 120,5 | -400 | -400 | |||
Hà Nội | 118,9 | 120,9 | 118,5 | 120,5 | -400 | -400 | ||||
Đà Nẵng | 118,9 | 120,9 | 118,5 | 120,5 | -400 | -400 | ||||
PNJ | TP Hồ Chí Minh | 118,9 | 120,9 | 118,5 | 120,5 | -400 | -400 | |||
Hà Nội | 118,9 | 120,9 | 118,5 | 120,5 | -400 | -400 | ||||
Bảo Tín Minh Châu | Toàn quốc | 118,9 | 120,9 | 118,5 | 120,5 | -400 | -400 | |||
Phú Quý SJC | Toàn quốc | 118,2 | 120,9 | 117,8 | 120,5 | -400 | -400 | |||
Bảo Tín Mạnh Hải | Hà Nội | 118,6 | 120,4 | 118,6 | 120,4 | - | - |
Tương tự vàng miếng, giá vàng nhẫn hôm nay cũng giảm, mức giảm sâu nhất 600.000 đồng/lượng.
Cụ thể, SJC niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 113,9 - 116,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 400.000 đồng/lượng ở cả hai chiều.
Giá vàng thế giới hôm nay
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay hôm nay tăng nhẹ so với sáng qua, niêm yết quanh ngưỡng 3.342 USD/ounce (tương đương 106,4 triệu đồng/lượng quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí).
Giá vàng thế giới nhìn chung tăng 0,18% trong 24 giờ qua, tương ứng với tăng 5,8 USD/ounce. Vàng đã tăng giá thêm 1,01% nếu tính trong vòng 30 ngày qua và tăng thêm gần 40% nếu tính trong vòng một năm qua.
Hiện tại, giá vàng thế giới thấp hơn khoảng 14,1 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
Giá vàng thế giới trượt về mức thấp nhất gần một tuần vào thứ Hai trong bối cảnh đồng USD tăng nhẹ và nhà đầu tư chờ đợi thông tin chi tiết về tiến trình đàm phán thương mại trước thời hạn áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Chiến lược gia hàng hóa Nitesh Shah từ WisdomTree, một trong những tập đoàn quản lý tài sản lớn nhất của Mỹ, đưa ra nhận định: "Chúng ta đang chứng kiến một đợt điều chỉnh nhẹ do đồng USD tăng ngắn hạn - có thể là vì dữ liệu kinh tế từ Mỹ vẫn đang khá vững, khiến nhu cầu cắt giảm lãi suất không còn cấp bách".
Chỉ số USD tăng 0,2% so với các đồng tiền chủ chốt, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Trong khi đó, tuần trước, dữ liệu cho thấy số liệu tăng trưởng việc làm tại Mỹ trong tháng 6 bất ngờ tăng mạnh. Đồng thời, lo ngại về lạm phát do thuế quan gây ra đã làm dấy lên kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ giảm tốc độ cắt giảm lãi suất.
Giá dầu thế giới
Giá dầu tăng gần 2% trong phiên giao dịch vào thứ Hai, khi kỳ vọng vào nhu cầu tiêu thụ năng lượng vẫn ở mức cao đã lấn át tác động từ việc OPEC+ tuyên bố nâng sản lượng vượt dự báo cũng như những lo ngại mới xoay quanh chính sách thuế quan của Mỹ.
Theo Oilprice, giá dầu Brent tăng 1,35 USD, tương đương 1,98%, lên mức 69,65 USD/thùng, giá dầu WTI tăng 1,51 USD, tương đương 2,27%, lên mức 68,01 USD/thùng. Vào đầu phiên, giá dầu Brent đã giảm xuống mức thấp nhất là 67,22 USD và mức thấp nhất trong phiên của WTI là 65,40 USD.
"Cung - cầu đang dần cân bằng trở lại và nhu cầu tiêu thụ dường như đang vượt xa kỳ vọng," ông Dennis Kissler, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch của BOK Financial, nhận định.
Một phần nguyên nhân thúc đẩy giá dầu đến từ các dữ liệu tích cực về hoạt động du lịch tại Mỹ. Theo báo cáo công bố tuần trước, lượng người dân Mỹ di chuyển trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 4-7 năm nay - cả bằng đường bộ lẫn đường hàng không đã đạt mức cao kỷ lục. Qua đó, phản ánh nhu cầu nhiên liệu đang gia tăng mạnh mẽ.
Ngoài ra, thị trường dầu mỏ cũng chịu ảnh hưởng từ những tín hiệu chưa rõ ràng về chính sách thương mại của Mỹ. Dù các quan chức Washington cho biết việc áp dụng thuế quan mới có thể bị trì hoãn, tuy nhiên họ vẫn chưa tiết lộ cụ thể mức thuế sẽ được áp dụng. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng chính sách thuế cứng rắn hơn có thể làm chậm đà phục hồi kinh tế và kéo theo sự suy giảm nhu cầu dầu mỏ toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết, Mỹ sẽ đưa ra một số thông báo về thương mại trong 48 giờ tới, đồng thời nói thêm rằng hộp thư đến của ông hiện đầy những lời đề nghị cuối cùng từ các quốc gia nhằm đạt được thỏa thuận thuế quan trước thời hạn ngày 9/7.
"Mặc dù chính sách thương mại của Mỹ vẫn đang trong quá trình điều chỉnh, việc gia hạn thời gian và giảm nhẹ các mức thuế trừng phạt có thể giúp xoa dịu phần nào tâm lý lo ngại về nhu cầu yếu kéo dài từ tháng 4", ông Jeffrey McGee, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Makai Marine Advisors nhận định.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 8/7, cụ thể như sau:
Xăng E5RON92: Không cao hơn 19.445 đồng/lít.
Xăng RON95-III: Không cao hơn 19.906 đồng/lít.
Dầu diesel 0.05S: Không cao hơn 18.408 đồng/lít.
Dầu hỏa: Không cao hơn 18.132 đồng/lít.
Dầu mazut 180CST 3.5S: Không cao hơn 15.807 đồng/kg.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa quyết định giá bán lẻ xăng dầu từ 15 giờ chiều 3/7. Theo đó, giá xăng E5RON92 giảm 1.085 đồng/lít, xăng RON95-III giảm 1.210 đồng/lít; giá dầu diesel giảm 941 đồng/lít; dầu hỏa giảm 932 đồng/lít; dầu mazut giảm 1.148 đồng/kg.
Kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính không trích lập, không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.
Cũng theo liên Bộ, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này chịu ảnh hưởng của các yếu tố chủ yếu như: OPEC+ dự kiến tăng sản lượng khai thác dầu trong tháng 8; Iran tuyên bố đình chỉ hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA); dự trữ dầu thô của Mỹ tăng... Các yếu tố trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua biến động lên, xuống tùy từng mặt hàng.
NGỌC PHẠM - AN BÌNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV