Giá vàng thế giới hôm nay
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay hôm nay tăng nhẹ so với sáng qua, niêm yết quanh ngưỡng 3.337 USD/ounce (tương đương 106,2 triệu đồng/lượng quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí).
Như vậy, giá vàng thế giới đang thấp hơn khoảng 14,7 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
Đà tăng của kim loại quý này được thúc đẩy bởi làn sóng tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn của giới đầu tư, sau khi Hạ viện Mỹ chính thức thông qua dự luật cắt giảm thuế và mở rộng chi tiêu chính phủ - một động thái làm gia tăng lo ngại về rủi ro tài khóa tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo đó, dự luật thuế trên gia hạn các chính sách cắt giảm thuế, tăng chi tiêu cho an ninh biên giới và quân đội, đồng thời cắt giảm mạnh ngân sách cho hai chương trình y tế lớn là Medicare và Medicaid. Đáng chú ý, dự luật này cũng có thể làm tăng nợ công của Mỹ thêm hàng nghìn tỷ USD.
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3/7 cũng tuyên bố sẽ bắt đầu gửi các thông báo áp thuế từ ngày 4/7, thay vì tiếp tục đàm phán riêng lẻ với các đối tác thương mại. Nếu Tổng thống Trump giữ nguyên mức áp thuế vào ngày 9/7 như đã thông báo trước đó, giới phân tích dự báo đồng USD sẽ suy yếu và giá vàng có thể tiếp tục đi lên.
Theo các chuyên gia, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang mắc kẹt giữa hai lựa chọn khó khăn. Theo đó, lạm phát đã giảm, nghĩa là Fed có thể cắt giảm lãi suất. Thế nhưng, nếu cắt giảm lãi suất khi kinh tế vẫn ổn, sẽ thổi bùng nguy cơ lạm phát, đặc biệt là trong bối cảnh thuế quan mới của Mỹ đang được kích hoạt - yếu tố cũng dễ gây lạm phát.
Trong khi đó, theo khảo sát vàng hằng tuần của Kitco News, các chuyên gia Phố Wall đang tỏ ra lưỡng lự trước triển vọng ngắn hạn của vàng, còn các nhà đầu tư nhỏ lẻ lại thể hiện niềm tin ngày càng mạnh mẽ vào khả năng giá vàng sẽ tiếp tục tăng.
Giá vàng trong nước hôm nay
Các thương hiệu DOJI, SJC, PNJ, Bảo Tín Minh Châu đồng loạt niêm yết giá vàng miếng ở mức 118,9 - 120,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 400.000 đồng/lượng ở cả hai chiều.
Riêng Phú Quý SJC mua vào thấp hơn 700.000 đồng/lượng so với các thương hiệu vàng khác, niêm yết ở mức 118,2 triệu đồng/lượng mua vào và 120,9 triệu đồng/lượng bán ra (giảm 400.000 đồng/lượng).
Giá vàng miếng trong nước cập nhật lúc 5 giờ sáng 5/7 như sau:
Vàng | Khu vực | Rạng sáng 4/7 | Rạng sáng 5/7 | Chênh lệch | ||||||
Mua vào | Bán ra | Mua vào | Bán ra | Mua vào | Bán ra | |||||
Đơn vị tính: Triệu đồng/lượng | Đơn vị tính: Nghìn đồng/lượng | |||||||||
DOJI | Hà Nội | 119,3 | 121,3 | 118,9 | 120,9 | -400 | -400 | |||
TP.HCM | 119,3 | 121,3 | 118,9 | 120,9 | -400 | -400 | ||||
SJC | TP.HCM | 119,3 | 121,3 | 118,9 | 120,9 | -400 | -400 | |||
Hà Nội | 119,3 | 121,3 | 118,9 | 120,9 | -400 | -400 | ||||
Đà Nẵng | 119,3 | 121,3 | 118,9 | 120,9 | -400 | -400 | ||||
PNJ | TP.HCM | 119,3 | 121,3 | 118,9 | 120,9 | -400 | -400 | |||
Hà Nội | 119,3 | 121,3 | 118,9 | 120,9 | -400 | -400 | ||||
Bảo Tín Minh Châu | Toàn quốc | 119,3 | 121,3 | 118,9 | 120,9 | -400 | -400 | |||
Phú Quý SJC | Toàn quốc | 118,6 | 121,3 | 118,2 | 120,9 | -400 | -400 |
Giá dầu thế giới
Giá dầu thế giới giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 4/7, khi giới đầu tư chờ đợi kết quả cuộc họp của OPEC+ vào cuối tuần này, với kỳ vọng OPEC+ sẽ quyết định tăng sản lượng trong tháng tới.
Theo Reuters, giá dầu Brent giảm 50 cent, tương đương 0,7%, xuống còn 68,30 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 50 cent, tương đương 0,75%, xuống còn 66,50 USD/thùng. Khối lượng giao dịch nhìn chung thấp do kỳ nghỉ lễ Quốc khánh tại Hoa Kỳ.
Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng khoảng 0,8% so với phiên cuối tuần trước, trong khi giá dầu WTI tăng 1,5%.
Các nước thành viên OPEC+ dự kiến sẽ nhóm họp sớm hơn một ngày vào thứ Bảy để thảo luận về khả năng tăng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày trong tháng 8 nhằm mở rộng thị phần.
“Việc tăng sản lượng, nếu được thông qua như dự kiến, sẽ đánh dấu tháng thứ tư liên tiếp OPEC+ điều chỉnh tăng sản lượng. Điều này có thể khiến cán cân cung-cầu dầu mỏ toàn cầu trong nửa cuối năm nhiều khả năng sẽ thay đổi, dẫn đến việc tồn kho dầu tăng nhanh”, ông Tamas Varga, chuyên gia phân tích cấp cao tại công ty tư vấn PVM, nhận định.
Theo ông Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại Price Futures Group: “Có vẻ như đang có một số hoạt động chốt lời do lo ngại OPEC+ sẽ tăng sản lượng nhiều hơn dự kiến”.
Ông Phil Flynn cho biết thêm: “Các nhà đầu tư đang ở chế độ chờ đợi và theo dõi, chuẩn bị phản ứng với quyết định của OPEC, cũng như các động thái kinh tế từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump”.
Giá dầu thô cũng chịu áp lực từ một báo cáo trên trang web tin tức Axios của Mỹ cho biết, nước này đang có kế hoạch nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran vào tuần tới. Trong khi Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi cho biết, Tehran vẫn cam kết thực hiện Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Ngoài ra, căng thẳng thương mại toàn cầu tiếp tục phủ bóng lên thị trường. Thời hạn 90 ngày tạm hoãn tăng thuế của Mỹ sắp hết hiệu lực, trong khi các cuộc đàm phán giữa Liên minh châu Âu và Washington vẫn chưa đạt được bước tiến đáng kể. Các nhà ngoại giao EU cho biết, khối này có thể tìm cách gia hạn thỏa thuận hiện tại để tránh leo thang thuế quan.
Trong khi đó, Barclays đã nâng dự báo giá dầu Brent thêm 6 USD/thùng, lên 72 USD/thùng cho năm 2025, và tăng 10 USD, lên 70 USD/thùng cho năm 2026, với lý do triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu được cải thiện.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 5/7 cụ thể như sau:
- Xăng E5RON92: Không cao hơn 19.445 đồng/lít. - Xăng RON95-III: Không cao hơn 19.906 đồng/lít. - Dầu diesel 0.05S: Không cao hơn 18.408 đồng/lít. - Dầu hỏa: Không cao hơn 18.132 đồng/lít. - Dầu mazut 180CST 3.5S: Không cao hơn 15.807 đồng/kg |
Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa quyết định giá bán lẻ xăng dầu từ 15 giờ chiều ngày 3-7. Theo đó, giá xăng E5RON92 giảm 1.085 đồng/lít, xăng RON95-III giảm 1.210 đồng/lít; giá dầu diesel giảm 941 đồng/lít; dầu hỏa giảm 932 đồng/lít; dầu mazut giảm 1.148 đồng/kg.
Kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính không trích lập, không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.
Cũng theo liên Bộ, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này chịu ảnh hưởng của các yếu tố chủ yếu như: OPEC+ dự kiến tăng sản lượng khai thác dầu trong tháng 8; Iran tuyên bố đình chỉ hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA); dự trữ dầu thô của Mỹ tăng... Các yếu tố trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua biến động lên, xuống tùy từng mặt hàng.
ĐỨC PHONG - PHƯƠNG ANH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV
Link nội dung: https://htv.com.vn/thi-truong-ngay-5-7-2025-gia-vang-va-gia-xang-dau-dong-loat-giam-222250705085558244.htm