Giá vàng trong nước
Tại thời điểm khảo sát lúc 4 giờ 30 phút ngày 22/7/2025, giá vàng miếng được một số doanh nghiệp niêm yết cụ thể như sau:
Giá vàng miếng SJC được Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn, Bảo Tín Minh Châu và PNJ cùng niêm yết ở mức 120 - 121,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), mức giá tăng 300 nghìn đồng/lượng ở cả 2 chiều mua - bán so với hôm qua.
Giá vàng miếng SJC được Tập đoàn DOJI niêm yết ở ngưỡng 120 - 121,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), mức giá tăng 500 nghìn đồng/lượng ở cả 2 chiều mua - bán so với hôm qua.
Trong khi đó, giá vàng SJC tại Phú Quý được doanh nghiệp giao dịch ở mức 119,2 - 121,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giá vàng tăng 500 nghìn đồng/lượng ở chiều mua và tăng 200 nghìn đồng/lượng ở chiều bán so với hôm qua.
Còn tại Công ty Vàng bạc đá quý Mi Hồng, giá vàng Mi Hồng thời điểm khảo sát niêm yết giá vàng SJC ở mức 120,5 - 121,5 triệu đồng/lượng chiều mua vào - bán ra. So với hôm qua, giá vàng tăng 300 nghìn đồng/lượng ở cả 2 chiều mua - bán.
Giá vàng thế giới
Theo Kitco, giá vàng thế giới ghi nhận lúc 4 giờ 30 phút hôm nay theo giờ Việt Nam giao ngay ở mức 3,400.09 USD/ounce. Giá vàng hôm nay tăng 1,47% so với hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá USD trên thị trường tự do (26.381 VND/USD), vàng thế giới có giá 108,1 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Như vậy, giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng quốc tế khoảng 13,4 triệu đồng/lượng.
Diễn biến giá vàng thế giới trong 24 giờ qua
Nguồn tin từ Reuters cho biết, chỉ số USD (Dollar Index – DXY) giảm 0,4%, khiến vàng vốn được định giá bằng USD trở nên rẻ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một tuần qua.
Liên minh Châu Âu (EU) hiện đang cân nhắc một loạt biện pháp trả đũa rộng hơn nhằm vào Mỹ, trong bối cảnh triển vọng đạt được một thỏa thuận thương mại với Washington ngày càng mờ nhạt, theo các nhà ngoại giao EU. Về mặt chính sách lãi suất, các nhà đầu tư hiện đang định giá khoảng 63% khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9 tới, theo công cụ CME FedWatch.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết toàn bộ Cục Dự trữ Liên bang cần được xem xét lại với tư cách một thể chế và đặt câu hỏi về mức độ hiệu quả của tổ chức này.
Ông David Meger - Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures cũng cho rằng những đồn đoán về khả năng cắt giảm lãi suất sớm hơn dự kiến, cùng với những suy đoán xung quanh việc thay thế Chủ tịch Fed Jerome Powell và cải tổ cơ cấu Fed, đang góp phần khiến thị trường bất ổn hơn.
Giá dầu thế giới
Giá dầu thế giới giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 21/7, khi các lệnh trừng phạt mới nhất của Châu Âu đối với dầu của Nga được đánh giá là sẽ không gây tác động lớn đến nguồn cung. Tuy nhiên, đà giảm bị hạn chế bởi lo ngại của giới đầu tư về khả năng thiếu hụt nguồn cung dầu diesel.
Theo Reuters, giá dầu Brent giảm 0,7 USD, tương đương 0,1%, xuống còn 69,21 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 0,14 USD, tương đương 0,2%, xuống còn 67,2 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua 21/7, cả giá dầu Brent và dầu WTI gần như đi ngang.
Ngày 18/7 vừa qua, Liên minh Châu Âu đã thông qua gói trừng phạt thứ 18 nhằm vào Nga vì liên quan đến cuộc chiến tại Ucraina. Gói trừng phạt này cũng nhắm đến Nayara Energy - nhà máy lọc dầu Ấn Độ được Nga hậu thuẫn.
Giá dầu thế giới giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 21/7. (Ảnh: Reuters)
Người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov, hôm 18/7 cho biết, Nga đã xây dựng được một mức độ "miễn dịch nhất định" trước các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Các biện pháp của EU được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp đặt lệnh trừng phạt lên các bên mua hàng xuất khẩu từ Nga, trừ khi Mát-xcơ-va đồng ý một thỏa thuận hòa bình trong vòng 50 ngày.
Các nhà phân tích của Tập đoàn tài chính ING cho rằng, điểm đáng chú ý trong gói trừng phạt lần này là lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm tinh chế từ dầu của Nga tại các nước thứ ba. Họ cũng nhấn mạnh rằng, việc giám sát lượng dầu thô đầu vào tại các nhà máy lọc dầu ở những quốc gia này sẽ rất thách thức, và do đó, việc thực thi lệnh cấm cũng sẽ khó khăn.
Theo các chuyên gia phân tích nhận định, chốt phiên giao dịch chiều 21/7, tâm lý lo ngại về nguồn cung dầu diesel đã phần nào hạn chế đà giảm giá của dầu thô. (Ảnh: Reuters)
Chênh lệch giá giữa dầu có lượng lưu huỳnh thấp và giá dầu Brent đã tăng khoảng 3%, chốt phiên ở mức 26,31 USD - mức cao nhất kể từ tháng 2/2024.
Trong một diễn biến khác, thông tin từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran cho biết, Iran - quốc gia sản xuất dầu đang hứng chịu lệnh trừng phạt, dự kiến sẽ tổ chức đàm phán hạt nhân với Anh, Pháp và Đức tại Istanbul vào ngày 25/7 tới đây. Cuộc gặp diễn ra sau khi 3 quốc gia Châu Âu này cảnh báo rằng, nếu Tehran không nối lại đàm phán, các lệnh trừng phạt quốc tế sẽ được tái áp đặt.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 22/7, cụ thể như sau:
- Xăng E5RON92: Không cao hơn 19.481 đồng/lít.
- Xăng RON95-III: Không cao hơn 19.925 đồng/lít.
- Dầu diesel 0.05S: Không cao hơn 18.799 đồng/lít.
- Dầu hỏa: Không cao hơn 18.429 đồng/lít.
- Dầu mazut 180CST 3.5S: Không cao hơn 15.478 đồng/kg.
QUỐC AN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV
Link nội dung: https://htv.com.vn/thi-truong-ngay-22-7-2025-gia-vang-tang-1-gia-xang-dau-giam-nhe-222250722073919089.htm