Giá vàng trong nước
Tại thời điểm khảo sát lúc 4 giờ 30 phút ngày 19/7/2025, giá vàng miếng được một số doanh nghiệp niêm yết cụ thể như sau:
Giá vàng miếng SJC được Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn, Bảo Tín Minh Châu, Tập đoàn DOJI và PNJ cùng niêm yết ở mức 119,5 - 121 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), mức giá tăng 900 nghìn đồng/lượng ở chiều mua - tăng 400 nghìn đồng/lượng ở chiều bán so với hôm qua.
Trong khi đó, giá vàng SJC tại Phú Quý được doanh nghiệp giao dịch ở mức 118,4 - 121 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giá vàng tăng 500 nghìn đồng/lượng ở chiều mua và tăng 400 nghìn đồng/lượng ở chiều bán so với hôm qua.
Giá vàng hôm nay ngày 19/7/2025
Còn tại Công ty Vàng bạc đá quý Mi Hồng, giá vàng Mi Hồng thời điểm khảo sát niêm yết giá vàng SJC ở mức 120 - 121 triệu đồng/lượng chiều mua vào - bán ra. So với hôm qua, giá vàng tăng 400 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.
Về phía vàng nhẫn, giá vàng nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng tại DOJI niêm yết ở ngưỡng 115,9 - 118,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); mức giá không thay đổi ở cả hai chiều mua - bán so với hôm qua.
Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn ở ngưỡng 116,1 - 119,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); giá vàng tăng 100 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua - bán so với hôm qua.
Giá vàng thế giới
Theo Kitco, giá vàng thế giới ghi nhận lúc 4 giờ 30 phút hôm nay theo giờ Việt Nam giao ngay ở mức 3,353.82 USD/ounce. Giá vàng hôm nay tăng 0,49% so với hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá USD trên thị trường tự do (26.385 VND/USD), vàng thế giới có giá 106,6 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Như vậy, giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng quốc tế khoảng 14,4 triệu đồng/lượng.
Diễn biến giá vàng thế giới trong 24 giờ qua
Chỉ số USD (DXY) giảm 0,5% trong ngày. Đồng USD yếu thường khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua sử dụng các đồng tiền khác.
Đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rằng ông không có kế hoạch sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, tuy nhiên ông cũng để ngỏ khả năng đó và tiếp tục chỉ trích người đứng đầu ngân hàng trung ương vì không hạ lãi suất.
Thị trường hiện kỳ vọng Fed sẽ thực hiện 2 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, với tổng mức giảm là 50 điểm cơ bản.
Vàng thường được ưa chuộng trong thời kỳ bất ổn kinh tế và môi trường lãi suất thấp càng làm tăng sức hấp dẫn của tài sản không sinh lãi như vàng.
Về mặt thương mại, Indonesia vẫn đang đàm phán chi tiết về thỏa thuận thương mại vừa đạt được với Mỹ. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nói với Thủ tướng Nhật Bản rằng hai bên có thể đạt được một thỏa thuận tốt.
Giá dầu thế giới
Giá dầu thô giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 18/7 khi thị trường phản ứng trước loạt thông tin trái chiều về kinh tế và thuế quan tại Mỹ, cùng những lo ngại về nguồn cung dầu sau khi Liên minh Châu Âu (EU) công bố gói trừng phạt mới nhằm vào Nga vì cuộc chiến tại Ucraina.
Theo Reuters, kết thúc phiên giao dịch ngày 18/7, giá dầu Brent giảm 24 cent/thùng, tương đương 0,3%, xuống còn 69,28 USD/thùng. Giá dầu WTI cũng giảm 20 cent/thùng, tương đương 0,3%, xuống còn 67,34 USD/thùng.
Tại Mỹ, hoạt động xây dựng nhà ở đơn lập trong tháng 6 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 11 tháng qua, do lãi suất thế chấp cao và bất ổn kinh tế làm "chùn bước" người mua, cho thấy đầu tư vào bất động sản nhà ở tiếp tục suy giảm trong Quý II.
Tuy nhiên, một báo cáo khác lại phản ánh tâm lý người tiêu dùng tại Mỹ đã cải thiện trong tháng 7 và người dân cũng kỳ vọng lạm phát tiếp tục giảm. Lạm phát hạ nhiệt sẽ tạo điều kiện để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất, giúp giảm chi phí vay mượn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như nhu cầu tiêu thụ dầu.
Giá dầu thế giới giảm nhẹ trong phiên giao dịch vừa qua. Ảnh: Bizz Buzz
Trong một diễn biến khác, tờ Financial Times đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn áp mức thuế tối thiểu từ 15% - 20% trong mọi thỏa thuận với EU. Ngoài ra, chính quyền Mỹ còn cân nhắc áp thuế đối ứng trên 10%, kể cả khi hai bên đã đạt được thỏa thuận.
Lạm phát gia tăng có thể đẩy giá cả tiêu dùng lên cao, làm suy yếu tăng trưởng kinh tế và kéo theo nhu cầu dầu mỏ giảm.
Thị trường phản ứng trước loạt thông tin trái chiều về kinh tế và thuế quan tại Mỹ, cùng những lo ngại về nguồn cung dầu sau khi Liên minh Châu Âu (EU) công bố gói trừng phạt mới nhằm vào Nga vì cuộc chiến tại Ucraina
Tại Châu Âu, EU đạt thỏa thuận về gói trừng phạt thứ 18 đối với Nga liên quan đến chiến sự Ucraina, với loạt biện pháp nhắm vào ngành dầu mỏ và năng lượng.
Theo Reuters đưa tin, EU cũng sẽ ngừng nhập khẩu các sản phẩm dầu tinh chế có nguồn gốc từ dầu thô Nga. Cao ủy Chính sách Đối ngoại EU Kaja Kallas cho biết EU đã đưa nhà máy lọc dầu lớn nhất tại Ấn Độ của Công ty dầu mỏ nhà nước Rosneft (Nga) vào danh sách trừng phạt.
Theo dữ liệu từ Kpler, Ấn Độ hiện là nước nhập khẩu dầu từ Nga lớn nhất, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ 3.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 19/7, cụ thể như sau:
- Xăng E5RON92: Không cao hơn 19.481 đồng/lít.
- Xăng RON95-III: Không cao hơn 19.925 đồng/lít.
- Dầu diesel 0.05S: Không cao hơn 18.799 đồng/lít.
- Dầu hỏa: Không cao hơn 18.429 đồng/lít.
- Dầu mazut 180CST 3.5S: Không cao hơn 15.478 đồng/kg.
QUỐC AN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV
Link nội dung: https://htv.com.vn/thi-truong-ngay-19-7-2025-gia-vang-dong-loat-tang-gia-xang-dau-quay-dau-giam-222250719073734529.htm