Phát triển hành lang TP.HCM - Vũng Tàu: Vành đai 3, cao tốc Bến Lức - Long Thành giữ vai trò xương sống

(HTV) - Vành đai 3, cao tốc Bến Lức - Long Thành đang được tăng tốc thi công, mở ra trục kết nối xuyên vùng giữa TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu, thúc đẩy phát triển đồng bộ cảng biển - đô thị - công nghiệp.

Phát triển hành lang TP.HCM – Vũng Tàu: Vành đai, cao tốc Bến Lức – Long Thành giữ vai trò xương sống - Ảnh 1.

Đẩy nhanh tiến độ thi công đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua TP. Thủ Đức - một trong những công trình trọng điểm

Trong bối cảnh TP.HCM đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ sau sáp nhập, việc phát triển hành lang đô thị - công nghiệp - cảng biển từ TP.HCM đến Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ là nhu cầu thực tiễn, mà còn là định hướng chiến lược cấp quốc gia. Khi hành lang logistics được khai thông, khi cảng biển, khu công nghiệp và đô thị cùng hòa vào một nhịp đập, một siêu đô thị mang tầm khu vực hoàn toàn có thể hình thành.

Hạ tầng giao thông - "mạch máu" khơi thông liên kết vùng

Những ngày này, trên các công trường trọng điểm của dự án Vành đai 3 TP.HCM, không khí thi công đang trở nên khẩn trương hơn bao giờ hết. Tại gói thầu xây lắp số 4, ngay sau khi hợp long cầu Bình Gởi, các đơn vị thi công đang tăng ca, tăng kíp, huy động tối đa vật tư và nhân lực để đẩy nhanh tiến độ phần đường dẫn dài 1km. Dự kiến đến tháng 9/2025 sẽ hoàn thiện bê tông mặt cầu và lan can, và thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2025.

Phát triển hành lang TP.HCM – Vũng Tàu: Vành đai, cao tốc Bến Lức – Long Thành giữ vai trò xương sống - Ảnh 2.

Cầu Bình Gởi dự kiến đến tháng 9/2025 sẽ hoàn thiện bê tông mặt cầu và lan can, thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2025

Không chỉ Vành đai 3, nhiều dự án giao thông huyết mạch khác cũng đang được triển khai song song như: cao tốc Bến Lức - Long Thành, và đường Vành đai 4 TP.HCM. Theo kế hoạch, Vành đai 3 dài 76km sẽ hoàn thành toàn tuyến vào năm 2026, trong khi cầu Bình Khánh thuộc tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành vừa được hợp long mới đây sẽ tạo tiền đề để toàn tuyến được hoàn thiện cùng năm.

"Ngay sau cầu Bình Khánh hôm nay, chúng tôi sẽ đẩy nhanh tiến độ cầu Phước Khánh để đảm bảo thông xe toàn tuyến đúng kế hoạch", ông Đặng Hữu Vị - Giám đốc Ban Quản lý các đường cao tốc phía Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khẳng định.

Khi các tuyến cao tốc và vành đai hoàn thiện, một mạng lưới giao thông liên vùng hiện đại sẽ kết nối TP.HCM với các địa phương lân cận, đặc biệt là trục đô thị - công nghiệp từ Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một, Bến Cát đến Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây cũng chính là không gian phát triển được kỳ vọng sẽ trở thành "xương sống" của siêu đô thị vùng TP.HCM.

Cảng biển - công nghiệp - đô thị: Ba trụ cột cùng một nhịp phát triển

Điểm đặc biệt của hành lang TP.HCM - Vũng Tàu không chỉ nằm ở yếu tố kết nối đô thị, mà còn là nơi giao thoa của cảng biển quốc tế (Cái Mép - Thị Vải), các khu công nghiệp trọng điểm (VSIP, Mỹ Phước, Phú Mỹ...), cùng hệ thống đô thị vệ tinh đang phát triển mạnh mẽ.

Khi hạ tầng giao thông đồng bộ, năng lực logistics sẽ được cởi trói, kéo theo sự dịch chuyển mạnh mẽ của dòng vốn đầu tư, chuỗi cung ứng và dân cư. Không gian phát triển vì thế sẽ không còn bị bó hẹp trong địa giới hành chính TP.HCM, mà mở rộng theo hướng đa tâm, hiện đại và bền vững hơn.

Từ "tắc nghẽn" đến "kết nối": Hạ tầng là chìa khóa

Trong nhiều năm qua, "nút thắt" lớn nhất kìm hãm sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chính là hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ. Do đó, việc đẩy nhanh các dự án chiến lược hiện nay không chỉ nhằm giải bài toán giao thông, mà còn là lời giải cho bài toán phát triển không gian công nghiệp - đô thị - cảng biển của TP.HCM trong tương lai.

Phát triển hành lang TP.HCM – Vũng Tàu: Vành đai, cao tốc Bến Lức – Long Thành giữ vai trò xương sống - Ảnh 3.

Các dự án hạ tầng chiến lược không chỉ giải bài toán giao thông, mà còn mở lối cho không gian phát triển công nghiệp - đô thị - cảng biển TP.HCM

Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương, cùng định hướng rõ ràng từ lãnh đạo cấp cao, hành lang phát triển từ TP.HCM đến Bà Rịa - Vũng Tàu đang dần hình thành. Đây không chỉ là một trục kinh tế mới, mà còn là biểu tượng cho một "TP.HCM mới" - năng động, hiện đại và có tầm vóc khu vực.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

VĂN QUANG - VĂN VIỆT - QUỐC KHANH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV

Link nội dung: https://htv.com.vn/phat-trien-hanh-lang-tphcm-vung-tau-vanh-dai-3-cao-toc-ben-luc-long-thanh-giu-vai-tro-xuong-song-222250705114304689.htm