Phát triển bền vững tại các quốc gia ASEAN trong bối cảnh toàn cầu hóa và hiện đại hóa

(HTV) - Trường Đại học Luật TP.HCM đã phối hợp với Quỹ Phát triển Khoa học - Công nghệ Quốc gia, Đại học Chiang Mai (Thái Lan), Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam và Tạp chí Luật Quốc tế Indonesia tổ chức hội thảo quốc tế.

Tại TP.HCM, Trường Đại học Luật TP.HCM đã phối hợp với Quỹ Phát triển Khoa học - Công nghệ Quốc gia, Đại học Chiang Mai (Thái Lan), cùng Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam và Tạp chí Luật Quốc tế Indonesia tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề: "Hướng tới phát triển bền vững tại các quốc gia ASEAN: Quan hệ quốc tế, thách thức pháp lý trong bối cảnh Toàn cầu hóa và hiện đại hóa".

Phát biểu khai mạc hội thảo, lãnh đạo Trường Đại học Luật TP.HCM nhấn mạnh: Phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu quan trọng và thách thức cấp bách nhất của thời đại. Vì vậy, điều này đòi hỏi các quốc gia thành viên phải nỗ lực tăng cường hợp tác khu vực, thúc đẩy quan hệ quốc tế, hài hòa hệ thống pháp luật quốc gia với các chuẩn mực quốc tế.

Phát triển bền vững tại các quốc gia ASEAN trong bối cảnh toàn cầu hóa và hiện đại hóa - Ảnh 1.

Phát triển bền vững tại các quốc gia ASEAN trong bối cảnh toàn cầu hóa và hiện đại hóa - Ảnh 2.

Trường Đại học Luật TP.HCM chủ trì hội thảo quốc tế về phát triển bền vững của ASEAN, nhấn mạnh các thách thức pháp lý và quan hệ quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Thông qua các phiên thảo luận chuyên sâu, các đại biểu đã tập trung phân tích đa chiều những khía cạnh pháp lý, thể chế, chính sách và cơ chế thực thi liên quan đến phát triển bền vững tại ASEAN. Nội dung các tham luận trải rộng trên nhiều lĩnh vực gồm: thương mại, đầu tư, môi trường, chuyển đổi số, giải quyết tranh chấp, phát triển bền vững,... Trong đó, hội thảo nhấn mạnh vai trò của luật pháp quốc tế cũng như pháp luật quốc gia cần đủ mạnh trong xây dựng mô hình phát triển bền vững cho ASEAN.

Phát triển bền vững tại các quốc gia ASEAN trong bối cảnh toàn cầu hóa và hiện đại hóa - Ảnh 3.

Nội dung các tham luận trải rộng trên nhiều lĩnh vực gồm: thương mại, đầu tư, môi trường, chuyển đổi số, giải quyết tranh chấp, phát triển bền vững,...

Hội thảo cũng ghi nhận nhiều đề xuất có tính gợi mở về chính sách và lập pháp đối với Việt Nam trong tiến trình hội nhập pháp lý ASEAN, như: đề xuất xây dựng cơ chế "Trọng tài môi trường ASEAN" hay kiến nghị bổ sung điều khoản "Mục tiêu phát triển bền vững" trong các cam kết đầu tư song phương và đa phương của Việt Nam.

Không chỉ tạo điều kiện kết nối các chuyên gia trong và ngoài nước, hội thảo còn là cầu nối giữa lý luận và thực tiễn lập pháp, hành pháp, tư pháp khu vực. Đây cũng là bước tiến mới trong tiến trình quốc tế hóa hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Luật TP.HCM, góp phần khẳng định vai trò của các nhà nghiên cứu Việt Nam trong việc định hình một ASEAN xanh, phát triển bền vững hơn trong tương lai.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

THU TÌNH - TẤN LỘC // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV

Link nội dung: https://htv.com.vn/phat-trien-ben-vung-tai-cac-quoc-gia-asean-trong-boi-canh-toan-cau-hoa-va-hien-dai-hoa-222250712131408476.htm