Mở rộng thời gian kê đơn tạo thuận lợi cho điều trị bệnh mạn tính

(HTV) - Việc được kê đơn thuốc dài ngày với bệnh mạn tính sẽ giúp người bệnh tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, nhưng cũng đòi hỏi sự đánh giá thận trọng từ phía bác sĩ và sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ hệ thống y tế.

Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 26 quy định về việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Theo đó, người mắc bệnh mạn tính thuộc danh mục cho phép có thể được kê đơn sử dụng thuốc ngoại trú trên 30 ngày, tối đa đến 90 ngày, thay vì chỉ được cấp tối đa 30 ngày như trước đây. Chính sách mới được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho người bệnh, đặc biệt là những người ở vùng sâu, vùng xa, người lớn tuổi hoặc có khó khăn trong việc di chuyển đến bệnh viện tái khám thường xuyên.

Mở rộng thời gian kê đơn tạo thuận lợi cho điều trị bệnh mạn tính - Ảnh 1.

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 26 quy định về việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Phản ánh từ thực tế, nhiều người bệnh đã bày tỏ sự đồng tình với quy định mới. Ông Nguyễn Văn Cồn, bệnh nhân từ tỉnh An Giang chia sẻ: "Tôi đi từ An Giang lên Bệnh viện Chợ Rẫy rất tốn kém chi phí, mỗi lần chỉ nhận được 28-30 ngày thuốc nên rất bất tiện. Nếu được cấp thuốc 3 tháng thì đỡ chi phí và công sức rất nhiều vì tôi mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, dạ dày… đều phải uống thuốc mỗi ngày." Tương tự, ông Nguyễn Lâm, ngụ phường Hiệp Bình, TP.HCM cho biết: "Ngay cả tôi ở trong thành phố mà đi lại cũng bất tiện. Nếu bệnh đã ổn định thì bác sĩ nên cân nhắc kê dài ngày. Tất nhiên nếu có vấn đề phát sinh thì mình có thể quay lại khám như quy định."

Mở rộng thời gian kê đơn tạo thuận lợi cho điều trị bệnh mạn tính - Ảnh 2.

Đây là một bước tiến trong hướng tiếp cận chăm sóc sức khỏe toàn diện, lấy người bệnh làm trung tâm, đặc biệt trong bối cảnh cần thích ứng linh hoạt với những diễn biến của xã hội và tình hình dịch bệnh.

Danh mục được phép kê đơn dài ngày trong Thông tư 26 gồm 16 nhóm bệnh lớn, với tổng cộng 252 bệnh và nhóm bệnh mạn tính, bao gồm các bệnh phổ biến như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, viêm gan B mạn tính, suy giáp... Tuy nhiên, việc cấp phát thuốc dài ngày cũng đặt ra nhiều yêu cầu đối với hệ thống y tế. Các bệnh viện, đặc biệt là đơn vị dược, cần có sự chuẩn bị chu đáo về nguồn thuốc, kho dự trữ và nhân sự.

Mở rộng thời gian kê đơn tạo thuận lợi cho điều trị bệnh mạn tính - Ảnh 3.

việc cấp phát thuốc dài ngày cũng đặt ra nhiều yêu cầu đối với hệ thống y tế. Các bệnh viện, đặc biệt là đơn vị dược, cần có sự chuẩn bị chu đáo về nguồn thuốc, kho dự trữ và nhân sự.

BS. chuyên khoa II Phạm Thanh Việt - Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: "Trong thời kỳ dịch COVID-19, chúng tôi đã từng thực hiện cấp phát thuốc 2–3 tháng cho bệnh nhân không thể di chuyển, và thực tế đã chứng minh rằng với các bệnh đã ổn định, việc cấp thuốc dài ngày là khả thi. Tuy nhiên, mỗi bệnh nhân dù cùng một chẩn đoán nhưng lại có biểu hiện và tiến triển bệnh khác nhau, nên bác sĩ cần linh hoạt trong đánh giá." Cùng quan điểm này, bác sĩ chuyên khoa II Lê Trung Nhân -  Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng nhấn mạnh: "Phụ thuộc vào tình trạng bệnh và chỉ định trong Phụ lục 7 của Thông tư 26, bác sĩ có thể cân nhắc cấp thuốc 30, 60 hay 90 ngày. Nhưng quan trọng là phải hướng dẫn bệnh nhân kỹ lưỡng, nếu có bất thường phải tái khám sớm."

Ở góc độ tổ chức cấp phát thuốc, dược sĩ chuyên khoa II Lương Thị Tuyết Minh -  Trưởng khoa Dược Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: "Nếu bác sĩ kê đơn dài ngày, khối lượng thuốc cần dự trữ sẽ tăng, đồng thời yêu cầu cao hơn về nhân sự, bao bì đóng gói… Khoa Dược đã lên kế hoạch chủ động điều chỉnh lượng tồn kho và sẵn sàng tiếp nhận thuốc trả lại trong trường hợp bệnh nhân không phù hợp hoặc cần điều chỉnh đơn." Cùng với đó, đội ngũ dược sĩ cũng sẽ tăng cường tư vấn cho người bệnh trong quá trình cấp phát thuốc để đảm bảo hiệu quả điều trị.

Theo quy định của Thông tư 26, người kê đơn thuốc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về độ phù hợp giữa đơn thuốc và chẩn đoán, cũng như khả năng tự theo dõi điều trị của bệnh nhân. Do đó, thời gian tới, việc xây dựng bộ tiêu chí rõ ràng để xác định những đối tượng đủ điều kiện được kê đơn thuốc 30, 60 hoặc 90 ngày là rất cần thiết, nhằm đảm bảo an toàn điều trị và hỗ trợ hiệu quả cho bác sĩ trong quá trình ra quyết định chuyên môn.

Mở rộng thời gian kê đơn tạo thuận lợi cho điều trị bệnh mạn tính - Ảnh 4.

Việc thực hiện Thông tư 26 không chỉ giúp giảm áp lực cho người bệnh và hệ thống y tế, mà còn là một bước tiến trong hướng tiếp cận chăm sóc sức khỏe toàn diện, lấy người bệnh làm trung tâm, đặc biệt trong bối cảnh cần thích ứng linh hoạt với những diễn biến của xã hội và tình hình dịch bệnh.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9\


NGỌC PHƯỢNG - TRẦN TÚ // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV

Link nội dung: https://htv.com.vn/mo-rong-thoi-gian-ke-don-tao-thuan-loi-cho-dieu-tri-benh-man-tinh-222250705104136013.htm