Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích kiều bào đóng góp, vẫn còn những hạn chế khiến việc thu hút đội ngũ này chưa thực sự hiệu quả. Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huyên - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp, rào cản cơ bản nhất là sự khác biệt về nền tảng hệ thống pháp luật. Ngoài ra, việc tri thức kiều bào đang ngày càng trẻ hóa cũng dẫn đến kết nối với quê hương lỏng lẻo hơn. Hội thảo sẽ tổng hợp ý kiến để báo cáo Bộ Tư pháp, đề xuất các giải pháp và chính sách phù hợp.
Hội thảo tổng hợp ý kiến để báo cáo Bộ Tư pháp, đề xuất các giải pháp và chính sách phù hợp
Các chuyên gia pháp lý kiều bào, với kiến thức chuyên sâu về pháp luật quốc tế, có thể đóng góp to lớn vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, nâng cao năng lực giải quyết tranh chấp quốc tế. Để thu hút nguồn lực quý giá này, các đại biểu nhấn mạnh cần tạo môi trường làm việc hấp dẫn, minh bạch, công bằng trong tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ. Đồng thời, cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, tiền lương, thưởng cạnh tranh so với khu vực và thế giới.
Tiến sĩ Nguyễn Quỳnh Anh - Khoa Pháp luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP. Hà Nội, đề xuất thiết lập cơ sở dữ liệu chuyên gia pháp lý người Việt Nam ở nước ngoài, do Bộ Tư pháp chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan. Cùng với đó là kêu gọi và đưa ra chính sách ưu đãi cho người đăng ký, như: ưu tiên nhập hoặc trở lại quốc tịch, ưu đãi về sở hữu nhà ở, kinh doanh bất động sản.
Các đại biểu nhấn mạnh cần tạo môi trường làm việc hấp dẫn, minh bạch
Luật sư Phạm Thị Hồng Nhung - Công ty Luật TNHH Lawrel bổ sung, cần cung cấp cơ hội thăng tiến, phát triển nghề nghiệp, tạo điều kiện tham gia các dự án quan trọng quốc gia, xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo. Đồng thời, không thể thiếu các phúc lợi về nhà ở, bảo hiểm, y tế, hỗ trợ chi phí đi lại, sinh hoạt và chính sách ưu đãi về thuế. Để chiến lược này hiệu quả, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý và cộng đồng chuyên gia trong và ngoài nước, nhằm hình thành mạng lưới tri thức mạnh mẽ.
Mặc dù Luật Quốc tịch Việt Nam đã có cơ chế mở (như bãi bỏ điều kiện biết tiếng Việt hoặc cư trú 5 năm đối với chuyên gia), nhiều ý kiến vẫn cho rằng cần có thêm ưu đãi về quốc tịch và chính sách minh bạch, cởi mở hơn nữa để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người Việt Nam ở nước ngoài trở về cống hiến.
TRƯỜNG GIANG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV
Link nội dung: https://htv.com.vn/mo-cua-don-tri-thuc-kieu-bao-bai-toan-phap-ly-va-chinh-sach-222250719113315625.htm