Với sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Chính phủ đặt kỳ vọng đạt mục tiêu 1 triệu DN đến năm 2020, trong đó 0,5% là DN khởi nghiệp sáng tạo.
Những người trẻ đang trở thành đội ngũ đông đảo nhất, tiên phong trong phong trào khởi nghiệp sáng tạo. Họ được xem là lực lượng đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, vẫn đang có sự nhầm lẫn giữa "startup", "entrepreneur" và "open a business", chính vì vậy từ "khởi nghiệp" ở Việt Nam nhiều khi bị lạm dụng hoặc đánh đồng với từ "startup", trong khi nếu chỉ mở công ty kinh doanh thì có nghĩa là "entrepreneur".
Thế nên về mặt chính sách mới có thuật ngữ "khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" để chỉ "startup" và để phân biệt với khởi sự kinh doanh hay thành lập một DN thông thường như mở quán phở hay cửa hàng quần áo. Sự phân biệt này không có nghĩa chỉ hỗ trợ "startup" mà nhằm phân biệt với các hình thức khởi nghiệp khác, vì tinh thần kinh thương ở bất kỳ lĩnh vực nào, khía cạnh nào cũng cần được cổ vũ.
Xác định "startup" là gì là việc quan trọng để có sự hỗ trợ đúng và sát với mô hình và nhu cầu. Đặc biệt, nếu truyền thông về "startup" không đúng sẽ làm cho nhiều người hiểu nhầm, có thể tác dụng ngược đối với việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.
Theo các nghiên cứu về "startup" trên thế giới, mẫu số chung cho các "startup" không nằm ở lĩnh vực kinh doanh hay tiền vốn họ cần để cạnh tranh mà là ở khả năng "tăng trưởng nhanh" về khách hàng hoặc doanh thu. Thế nhưng, "nhanh" như thế nào mới được gọi là "startup"?
Ai có thể đánh giá được khả năng "tăng trưởng nhanh" khi "startup" còn chưa có lợi nhuận và thậm chí mới ở giai đoạn ý tưởng? Và liệu có nhất thiết phải tách thành hai khái niệm "khởi nghiệp" và "khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" khi khởi sự kinh doanh nào cũng cần được khuyến khích và hỗ trợ?
Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2017, Việt Nam đã tăng từ vị trí 59/128 lên vị trí 47/127 nước và nền kinh tế có đánh giá (tăng 12 bậc) - là thứ hạng cao nhất Việt Nam đạt được tính đến nay. Về chỉ số đo lường chất lượng, chỉ số ISO 9001 năm 2017 của Việt Nam là 7,5 (tăng 1,4% so với năm 2016), chỉ số ISO 14001 là 2,2 (tăng 37,5% so với năm 2016).
Doanh Nhân Sài Gòn
Link nội dung: https://htv.com.vn/khoi-nghiep-dung-quen-doi-moi-sang-tao-22219560.htm