Giải pháp nào giúp trái cây Việt bứt phá xuất khẩu?

(HTV) - Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để gia tăng vị thế trên bản đồ xuất khẩu trái cây thế giới, với tiềm năng tỷ đô từ chuối, dứa, dừa và chanh dây. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tham vọng này, ngành nông nghiệp cần chủ động tái cơ cấu, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa thị trường.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, năm 2024, Việt Nam sở hữu hơn 425.000 hecta trồng 4 loại trái cây chủ lực gồm chuối, dứa, dừa và chanh dây, cho tổng sản lượng ấn tượng hơn 6,3 triệu tấn. Giá trị xuất khẩu của các mặt hàng này cũng rất đáng ghi nhận: dừa đạt khoảng 1,1 tỷ USD, chuối 380 triệu USD, chanh dây trên 222 triệu USD, riêng dứa thu về khoảng 16,5 triệu USD chỉ tính riêng thị trường EU. Nhận thấy tiềm năng khổng lồ này, nhiều doanh nghiệp đã chủ động mở rộng thị trường và đầu tư vào sản xuất giống, hướng đến phát triển bền vững.

Giải pháp nào giúp trái cây Việt tái định vị thành công? - Ảnh 1.

Trái cây Việt sẵn sàng vươn ra thế giới, mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân

Ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình, cho biết: "Thị phần chuối của Việt Nam thì Trung Quốc chiếm 70%. Còn doanh nghiệp thì chiếm 40 - 50%, còn lại Hàn Quốc, Nhật Bản. Tiềm năng là mở rộng ra thị trường Nga, Trung Đông".

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần NAFOODS, chia sẻ về nỗ lực nghiên cứu giống: "Chúng tôi tập trung nghiên cứu giống chanh leo. Hiện có 6 loại giống, và đưa ra thế giới. Giống này giúp phát triển các vùng cao, vùng sâu. Đây là trái cây tiềm năng, vì sau 4 tháng đã thu hoạch".

Mặc dù có nhiều lợi thế, các chuyên gia nhận định cả 4 mặt hàng trái cây chủ lực này đều đang đối mặt với những thách thức đáng kể. Đó là bộ giống còn đơn điệu, thiếu giống tốt, vùng nguyên liệu đạt chuẩn còn hạn chế và chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ còn rời rạc. Nếu không chủ động tổ chức lại ngành hàng ngay từ bây giờ, Việt Nam có nguy cơ đánh mất lợi thế cạnh tranh và tụt hậu so với các quốc gia khác trong khu vực.

Giải pháp nào giúp trái cây Việt tái định vị thành công? - Ảnh 2.

Nâng cao chất lượng và đáp ứng tiêu chuẩn là chìa khóa để trái cây Việt vươn xa

Khi doanh nghiệp xuất khẩu thì việc thay đổi an toàn thực phẩm phải tuân thủ, có thể thay đổi mức dư lượng bảo vệ thực vật, kháng sinh, phụ gia hay thay đổi bao bì... Tất cả thay đổi này đòi hỏi doanh nghiệp phải nắm. Nên cần cơ quan đầu mối cập nhật cho doanh để nắm rõ thực hiện.
Ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Môi trường

Tiến sĩ Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, chỉ ra những điểm mấu chốt: "Chúng ta cần đáp ứng các yêu cầu của người mua. Như hiện tại Việt Nam đang tập trung mã vùng trồng để phục vụ thị trường Trung Quốc. Trong khi các thị trường khác như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đóng vai trò quan trọng, nhưng tiêu chuẩn hiện đang làm cho thị trường Trung Quốc". Ông cũng đề xuất cần xây dựng sản xuất theo chuỗi, với sự đồng hành chặt chẽ giữa doanh nghiệp và hợp tác xã.

Giải pháp nào giúp trái cây Việt tái định vị thành công? - Ảnh 3.

Việt Nam cần tập trung phát triển đa dạng thị trường tiềm năng để tối ưu các cơ hội hiện có

Chúng ta cũng phải đảm bảo công tác giống, đặc biệt phải tuân thủ bản quyền giống. Nếu Việt Nam thấy giống tốt đem về đổi tên, rồi đối tác dùng công nghệ phân thích ADN thì sẽ phát hiện mình vi phạm bản quyền. Mình xây dựng thị trường thì lâu nhưng tranh chấp bản quyền là sẽ mất hết.
Tiến sĩ Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường

Ông cũng đề xuất cần xây dựng sản xuất theo chuỗi, với sự đồng hành chặt chẽ giữa doanh nghiệp và hợp tác xã.

Giải pháp nào giúp trái cây Việt tái định vị thành công? - Ảnh 4.

Liên kết giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp là sức mạnh để phát triển bền vững

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), lạc quan về tiềm năng thị trường: "Những mặt hàng trên có thị trường ổn định, không tập trung một thị trường nào hết, mà có thể tiêu thụ khắp nơi. Nếu nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm thì việc tiêu thụ sẽ khả quan".

Trước những thách thức và cơ hội này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra 6 nhóm giải pháp trọng tâm nhằm tái định vị tiềm năng trái cây Việt. Trong đó, Bộ nhấn mạnh vào việc phát triển vùng nguyên liệu tập trung có mã số, ưu tiên sử dụng giống cây kháng bệnh, đầu tư vào công nghệ chế biến sâu, mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch và đặc biệt là xây dựng thương hiệu quốc gia cho trái cây Việt.

Giải pháp nào giúp trái cây Việt tái định vị thành công? - Ảnh 5.

Các giải pháp đang được đưa ra để giúp doanh nghiệp Việt đưa trái cây đến nhiều thị trường quốc tế hơn

Cụ thể, từng ngành hàng sẽ có định hướng riêng: Ngành dừa được định hướng gắn với phát triển du lịch sinh thái và các sản phẩm OCOP, tạo ra giá trị gia tăng kép. Ngành chuối sẽ đẩy mạnh liên kết hợp tác xã và doanh nghiệp, hình thành chuỗi giá trị bền vững. Ngành dứa tập trung vào việc rải vụ, đảm bảo nguồn cung liên tục cho cả thị trường trái cây tươi lẫn chế biến. Còn chanh dây sẽ tiếp tục xúc tiến mở cửa các thị trường khó tính hơn như Mỹ và Hàn Quốc, nơi có nhu cầu lớn cho loại quả này.

Với những định hướng chiến lược rõ ràng và sự chung tay từ doanh nghiệp, người nông dân, tương lai của trái cây Việt trên thị trường quốc tế hứa hẹn sẽ đạt được những thành công vượt trội.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

VŨ TUYÊN - XUÂN HẠO // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV

Link nội dung: https://htv.com.vn/giai-phap-nao-giup-trai-cay-viet-but-pha-xuat-khau-222250719105543929.htm